Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201701/nhieu-vuong-mac-khi-giai-the-tong-doi-tnxp-2-718454/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201701/nhieu-vuong-mac-khi-giai-the-tong-doi-tnxp-2-718454/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhiều vướng mắc khi giải thể Tổng đội TNXP 2 - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 12/01/2017, 15:40 [GMT+7]

Nhiều vướng mắc khi giải thể Tổng đội TNXP 2

(Congannghean.vn)-Sau hàng chục năm xây dựng vùng kinh tế mới, Tổng đội TNXP 2 đóng tại 2 xã Thanh Đức và Hạnh Lâm (Thanh Chương) đã giải thể, bán lại đất đai, cơ sở vật chất cho Công ty CP Đầu tư phát triển Cao su Nghệ An (Công ty Cao su Nghệ An). Cũng từ đây, rắc rối phát sinh kéo dài khi dân “tố” cơ quan này thu hàng tỉ đồng trái quy định, hàng trăm ha đất bàn giao nhập nhèm khiến cho vướng mắc giữa Công ty Cao su với người dân chưa thể tháo gỡ, dù các cấp chính quyền đã nhiều lần họp bàn nhưng chưa tìm ra tiếng nói chung.

Tổng đội TNXP 2 đã và đang để lại nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, chính quyền và nhân dân
Tổng đội TNXP 2 đã và đang để lại nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, chính quyền và nhân dân

Tổng đội rời đi, vướng mắc để lại

Tổng đội TNXP 2 - XDKT Nghệ An được thành lập vào năm 1993, trên địa bàn huyện Thanh Chương. Sau 20 năm phát triển, đã hoàn thành nhiệm vụ Tỉnh ủy giao, mô hình này trong bối cảnh hiện nay cũng không còn phù hợp nên UBND tỉnh đã quyết định chuyển đổi, bàn giao cho đơn vị khác tiếp quản.

Theo đó, ngày 11/7/2013, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định 2953/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án chuyển giao Tổng đội TNXP 2 - XDKT Nghệ An vào Công ty Cao su Nghệ An. Mục đích là để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời thực hiện quy hoạch phát triển cây cao su đã được phê duyệt trước đó. Phương án là chuyển giao nguyên trạng quyền quản lý, sử dụng đất với diện tích 15.068,8 ha (có thu tiền). Trong số này, có 469,9 ha giao khoán cho 149 hộ cán bộ, hội viên làm nhà ở gắn liền với đất sản xuất nông nghiệp và phần đất này thuộc quyền quản lý của UBND xã Thanh Đức.

Đối với tài sản chuyển giao, những tài sản không sử dụng được thì tiến hành thanh lý, những tài sản còn sử dụng được của Tổng đội thì chuyển giao cho hai đơn vị là Công ty Cao su và UBND xã Thanh Đức. Cũng từ đây, mặc dù đã có danh mục cụ thể từng loại tài sản để phân chia và các bên cũng đã nhiều lần tiến hành bàn giao, song quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc mà đến nay vẫn chưa tìm được phương án giải quyết.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Hữu Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Đức thì đến nay, còn hơn 400 ha đất từ Tổng đội TNXP 2 còn chưa được bàn giao dứt điểm đã gây ra không ít khó khăn trong quản lý. Trong số phần diện tích đất đã giao cho xã quản lý, phía Công ty Cao su “nhập nhèm” khi chỉ bàn giao phần đất canh tác, sản xuất ở vùng hạ lưu, còn phần thuộc vào đất rừng phòng hộ vẫn không cắm mốc cụ thể, gây khó khăn trong quản lý Nhà nước về đất đai. Vấn đề này, tại các buổi làm việc giữa UBND huyện, UBND tỉnh với Công ty Cao su, đại diện chính quyền đã có phản ánh, đề xuất nhưng không được giải quyết.

Ngoài ra, phía Công ty Cao su không những không chịu bàn giao xưởng chế biến chè, sân vận động xóm 3/2 mà còn muốn “chiếm” luôn con đường độc đạo từ đường Hồ Chí Minh vào trụ sở của Tổng đội TNXP 2 khiến chính quyền rất khó khăn trong tiếp nhận, quản lý. Về những vấn đề này, theo ông Trần Ngọc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Nghệ An cho rằng, Quyết định 2953 đã quyết định phương án chuyển giao là nguyên trạng và toàn bộ cơ sở vật chất từ Tổng đội TNXP 2. Đến nay, Công ty Cao su đã bàn giao toàn bộ hơn 700 ha đất nằm trong quy hoạch và đã đền bù xong cho những người có quyền lợi liên quan.

Vướng mắc về đất đai hiện nay, theo ông Thắng là do một số hộ dân đã phát sinh từ trước khi bàn giao và có lấn chiếm sang phần đất của Công ty khoảng 5 ha. Hiện, phía Công ty đang yêu cầu chính quyền làm rõ việc lấn chiếm này. Nếu các hộ dân chiếm đất thì phải trả lại tiền đền bù đã nhận, hoặc phải có chính quyền chứng thực việc “mượn” đất để sản xuất từ Công ty. Tuy nhiên, đến nay chính quyền chưa giải quyết được rốn ráo vấn đề này và đây là nguyên nhân phía Công ty Cao su chưa tiến hành cắm mốc, bàn giao.

Ngoài ra, theo báo cáo của Tổng đội TNXP 2, trước khi bàn giao có 149 hộ hội viên, song trên thực tế qua kiểm tra đã phát sinh thêm gần 30 hộ dân, nâng tổng số các hộ trong vùng đất phải bàn giao lên hơn 170 hộ. Hiện, chính quyền xã Thanh Đức và Tổng đội TNXP 2 cũng chưa làm rõ được số hộ phát sinh này để phía Công ty có hướng giải quyết.

Hợp đồng kinh tế Tổng đội TNXP 2 tự thảo ra để thu hơn 1,3 tỉ đồng của người dân xã Thanh Đức
Hợp đồng kinh tế Tổng đội TNXP 2 tự thảo ra để thu hơn 1,3 tỉ đồng của người dân xã Thanh Đức

Người dân “méo mặt” vì Tổng đội

Về con đường dẫn vào đơn vị, hiện nay đường đã xuống cấp rất nặng nề, phía Công ty muốn hỗ trợ địa phương làm đường để tạo “điểm nhấn”, nhưng chính quyền xã Thanh Đức không đồng ý nên Công ty cũng đang dừng lại. Riêng về xưởng chế biến chè, mục đích của Công ty Cao su là xin UBND tỉnh để cải tạo lại, làm chỗ ở cho cán bộ công nhân viên. Vì chiểu theo Quyết định 2953, việc này thuộc vào phạm vi “bàn giao nguyên trạng” nên Công ty vẫn bảo lưu ý kiến này.

Những vướng mắc này, trải qua quá trình giải quyết nhưng không đạt kết quả cuối cùng, thậm chí, còn kéo theo những hệ lụy khác khi hàng năm trời, nhiều gia đình, hội viên không có tổ chức chính quyền, đoàn thể để hoạt động. Đến ngày 5/11/2015, UBND xã Thanh Đức buộc phải có tờ trình xin thành lập hệ thống chính trị đơn vị cấp xóm để hoạt động nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.  

Ngoài ra, trước đó, quá trình thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (Dự án 661) trên địa bàn, Tổng đội TNXP 2 đã tự thảo hợp đồng kinh tế và ký kết với người dân xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương về việc giao khoán trồng rừng cho người dân theo tỉ lệ ăn chia 50/50 đến kỳ thu hoạch. Dù từ năm 2007, toàn bộ diện tích rừng phòng hộ này đã được chuyển sang rừng sản xuất nhưng Tổng đội vẫn không thông báo cho bà con nhân dân biết. Đến năm 2013, khi bàn giao diện tích rừng này về Công ty Cao su, còn lại 17 trong tổng số 37 hộ dân đã ký kết hợp đồng giao khoán trồng rừng theo Dự án 661 với Tổng đội TNXP 2, với tổng diện tích 70 ha chưa chuyển đổi mục đích.

Ngay trong ngày Công ty Cao su chi trả tiền đền bù, Tổng đội TNXP 2 đã “ăn chặn” 50% số tiền đền bù của 17 hộ dân này, tương đương với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng. Tất cả các khoản tiền thu của hộ dân này đều không có hóa đơn, chứng từ, không lập phiếu thu mà chỉ thể hiện bằng bản tổng hợp danh sách có đóng dấu treo của Tổng đội.

Về việc này, đại diện lãnh đạo UBND huyện Thanh Chương không bằng lòng vì cho rằng, Công ty Cao su tiến hành kiểm đếm, đền bù nhưng không thông qua huyện Thanh Chương. Trong khi đó, cho rằng Tổng đội thu tiền sai quy định, các hộ dân đã khởi kiện ra TAND huyện Thanh Chương.

Trao đổi qua điện thoại, ông Phạm Tuấn Vinh, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Nghệ An khẳng định, việc Tổng đội TNXP 2 thu tiền của các hộ dân là đúng quy định. “Hiện, số tiền này chúng tôi vẫn đang giữ nguyên và sẵn sàng hầu tòa cùng với các hộ dân. Nếu tòa án phán quyết chúng tôi làm sai quy định thì sẽ trả lại tiền cho nhân dân”, ông Vinh cho biết thêm.

.

Thiện Thành

.