Báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống mại dâm năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, trá hình, khó kiểm soát.
Theo thống kê của các địa phương, trên toàn quốc ước tính có khoảng hơn 15.000 người bán dâm. Số liệu mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, Việt Nam hiện có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó, người bán dâm là nữ hiện khoảng 75.000 người.
Đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm vẫn chủ yếu dưới dạng: gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet (facebook, zalo…); tình trạng người mại dâm sử dụng ma túy vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng; đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau, trong đó, theo một số nghiên cứu đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, làm ăn tự do: 75,7%, doanh nghiệp: 20%, cán bộ, công nhân viên chức: 3%; 80% đối tượng chủ chứa, môi giới có độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi; trên 40% chủ chứa là phụ nữ.
Ảnh minh họa |
Tại các thành phố lớn, các tụ điểm mại dâm khu vực công cộng sau các đợt truy quét của lực lượng chức năng, tăng cường công tác kiểm tra giám sát nên có chiều hướng giảm, đối tượng chủ yếu thực hiện hoạt động mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, qua liên lạc điện thoại, internet, di động bằng xe máy…
Trong năm 2016, Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm 178/CP của các tỉnh, thành phố đã tiến hành kiểm tra 29.604 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện 6.024 cơ sở vi phạm. Xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo 2.663 cơ sở; phạt tiền 2.189 cơ sở với số tiền phạt 64,97 tỷ đồng; đình chỉ kinh doanh và thu hồi giấy phép đối với 61 cơ sở và 1.111 cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm; tịch thu số tiền vi phạm; tịch thu số tiền góp vốn sử dụng mục đích mua bán dâm…).
Qua công tác đấu tranh, truy quét (1.525 lượt tại các địa điểm công cộng), triệt phá các tụ điểm nóng về mại dâm, các cơ quan chức năng của địa phương đã phát hiện, bắt giữ 1.186 vụ với 4.827 đối tượng; trong đó, người bán dâm là 2.292 người; mua dâm 1.707 người; chủ chứa, môi giới 828 người.
Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 914 vụ/1188 bị can, so với cùng kỳ năm 2015 giảm 289 vụ/125 bị can. Toà án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm với 881 vụ với 1.130 bị cáo phạm các tội về mại dâm để xét xử theo thủ tục sơ thẩm; đã giải quyết, xét xử 815 vụ với 1030 bị cáo; đạt tỷ lệ xét xử 97,3% về số vụ và số bị cáo. Các vụ án được thụ lý và xét xử nhiều vẫn tập trung và một số các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng... và ở một số địa phương có khu du lịch: như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa ... xét xử lưu động hơn 112 vụ án về mại dâm.
Các địa phương tiếp tục duy trì các mô hình về phòng, chống mại dâm và hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng, giúp 10.291 lượt người bán dâm và người có nguy cơ cao được hưởng lợi từ các mô hình.
Theo báo cáo của các địa phương, năm 2016 có 4.504 lượt người bán dâm được hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng. Trong đó, số đối tượng được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV: 1.702 lượt người; số đối tượng được tư vấn trợ giúp pháp lý: 2.486 lượt người; số đối tượng được hỗ trợ giáo dục dạy nghề: 83 lượt người; số đối tượng được tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh: 233 lượt người với số tiền 570 triệu đồng.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, công tác phòng, chống mại hiện còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế.
Đầu tiên phải kể đến, quan điểm, nhận thức về công tác phòng, chống mại dâm của lãnh đạo một số địa phương chưa thống nhất dẫn đến việc chỉ đạo triển khai chưa quyết liệt, liên tục đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm.
Một số quy định trong Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới.
Cơ quan chuyên trách và Đội trưởng Đội kiểm tra liên ngành 178/CP (Chi Cục phòng, chống tệ nạn xã hội các tỉnh, thành phố) không có thẩm quyền quyết định xử phạt; công tác phòng, chống mại dâm mới tập trung vào các hoạt động phòng ngừa, thông qua việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, nên hiệu quả phòng ngừa không cao, không đủ sức răn đe đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Kinh phí dành cho công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm còn rất thấp, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, nhiều nhiệm vụ chỉ được thực hiện lồng ghép hoặc trong một thời điểm nên hiệu quả hạn chế.
Trong năm 2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng Dự án Luật Phòng, chống mại dâm trình Chính phủ, Quốc hội.
Xây dựng và thực hiện thí điểm 3 mô hình theo Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020. Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm; phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm. Thực hiện công tác truyền thông, phòng ngừa thông qua các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, tập trung ở các khu vực miền núi, các địa phương nghèo, địa phương có người nhiều người di cư để hạn chế phát sinh mới số người tham gia mại dâm; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông phòng ngừa phòng, chống mại dâm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Phát triển và nâng cao năng lực Đội công tác xã hội tình nguyện để tập trung hỗ trợ giúp đỡ người bán dâm và người nghiện ma túy.
Tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản về địa bàn, đối tượng tổ chức hoạt động mại dâm; đấu tranh các chuyên án về tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm đặc biệt đối với các vụ án liên quan đến mại dâm trẻ em.
Tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về công tác thanh tra, kiểm tra cho thanh tra lao động, thanh tra văn hóa, công an, thành viên của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm các cấp; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn lực cho công tác phòng, chống mại dâm; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra địa bàn, xử lý triệt để các tụ điểm, đường dây tổ chức hoạt động mại dâm; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính, tội phạm liên quan đến mại; tổ chức các hoạt động hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở, các tổ chức xã hội tham gia, cung cấp các dịch vụ giảm tác hại, hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm; giao trách nhiệm, có biện pháp xử lý đối với người đứng đầu chính quyền cơ sở, người được giao nhiệm vụ thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, ma túy trên địa bàn.
Thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh văn hóa, du lịch, vui chơi, giải trí nhằm ngăn chặn và xử lý các hành vi khiêu dâm, kích dục, lưu hành văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy, lợi dụng du lịch để tổ chức hoạt động mại dâm…
.