Gia đình xã hội
Hoa mắt chóng mặt với thị trường rượu thuốc phiện
Cất chiếc bình nhựa đựng đầy thứ rượu có màu vàng đen vào trong chiếc túi nilon, “đầu nậu” L đảo mắt nhìn quanh, như thể dò xét điều gì đó. “Đầu nậu” L bảo: “Đây là rượu “thuốc phiện”, rượu “138”.
Nó là rượu “thần dược” đấy. Người dưới xuôi lên đây rất thích mua về làm quà!”. Theo lời “đầu nậu” L, chúng tôi có nhu cầu mua bao nhiêu bình, chị cũng đều có thể đáp ứng được.
Trong khuôn viên nhà nghỉ T.T nằm nép mình trên con đường của trung tâm huyện hôm nay có đông khách lui tới. Mọi người lạ lẫm trước những lời chào mời của người phụ nữ đang có mặt ở đây.
“Rượu “thuốc phiện” này có công hiệu lắm. Uống một ly vào biết ngay”, người phụ nữ chào mời khách hàng. Để cận cảnh thị trường kinh doanh rượu “thuốc phiện” – rượu “138” nơi đây, chúng tôi lại gần tìm hiểu. Thấy có khách hàng, hàng loạt lời giới thiệu về loại rượu “thuốc phiện” được chị ta lia một tràng.
Người phụ nữ này thực chất là một “đầu nậu” chuyên cung cấp rượu “thuốc phiện” cho người có nhu cầu mua, sử dụng. Sau ít phút trò chuyện, chúng tôi được biết chị ta có tên là Nguyễn T.L, làm nhân viên quản lý của cơ sở nghỉ trọ này.
Cùng với việc điều hành, quản lý các phòng nghỉ, L còn kiêm thêm “đầu nậu” cung cấp các sản phẩm rượu “thuốc phiện” – rượu “138” cho người có nhu cầu. “Đầu nậu” L cho biết, rượu “thuốc phiện” hay còn gọi là rượu “138” mà cơ sở mình cung cấp, chính là loại rượu được ngâm với cây thuốc phiện (lá, rễ, hoa, quả anh túc).
Nó có công hiệu giúp cơ thể người sử dụng cường tráng, hạn chế ốm đau. Nhờ công hiệu đi kèm với nó, mà nhiều người sau khi đến Tương Dương đều tìm mua loại rượu này cả (?!). Trên bàn của quầy lễ tân nhà nghỉ mà “đầu nậu” L đang làm, có bình rượu “thuốc phiện” để sở hữu một bình rượu “thuốc phiện” – rượu “138” trên, chúng tôi phải trả số tiền 400 ngàn đồng.
Nếu mua với số lượng lớn thì giá của nó sẽ giảm xuống còn 350 ngàn đồng/bình. “Chị có thể lấy thêm 3-4 bình nữa được không?”, tôi vờ hỏi. Như “tóm” được khách sộp, “đầu nậu” L bèn bốc máy, điện thoại cho một ai đó: “Mang thêm 4-5 bình ra luôn nhé!”.
Chưa đầy 5 phút sau, một “phụ nữ tuổi gần 50, đi trên chiếc xe máy tàng tàng, phía sau chở theo một thùng xốp đựng 4 bình rượu đã được dán băng dính khá cẩn thận.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, loại rượu “thuốc phiện” hay còn gọi là rượu “138” này có nguồn gốc từ các bản làng vùng cao, do một số người lén lút trồng cây thuốc phiện, dùng các loại lá, rễ, quả cây thuốc phiện này để ngâm rượu, rồi “tuồn” ra thị trường. Ban đầu, loại rượu này có tên là rượu “thuốc phiện”.
“Đầu nậu” L và “mắt xích” của mình đang chào bán rượu “thuốc phiện” |
Về sau, vì cây thuốc phiện nằm trong chương trình triệt phá, nhằm giảm tội phạm ma túy theo Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ. Nên loại rượu này đã “ăn theo” tên viết tắt của Ban Chỉ đạo chương trình trên (Ban Chỉ đạo 138/CP) – rượu “138”.
Thời gian quan, lực lượng chức năng làm gắt, nên để sở hữu được rượu “thuốc phiện”, dân chơi thường phải thông qua các mối quen biết, được các “đầu nậu” tin tưởng giao hàng.
Cùng với đó, việc vận chuyển đi các địa bàn khác, nhất là địa bàn dưới xuôi là cả một vấn đề, nên một số “đầu nậu” kinh doanh mặt hàng này thường làm “hợp đồng” trọn gói vận chuyển. Và tất nhiên, giá thành đi kèm với nó là tương đối cao.
Ví như một bình “rượu 138” mà chị L bán ở huyện Tương Dương có giá là 350 ngàn đồng/bình, nhưng nếu lấy hàng ở dưới Hà Nội thì giá của nó phải tăng lên gấp 3-4 lần. Có lẽ chính vì lợi nhuận ấy mà dù bị kiểm tra rượu “thuốc phiện” - rượu “138” ở huyện Tương Dương vẫn được đưa về xuôi.
Nguồn: Báo CAND