Gia đình xã hội

Kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất (18/11/1930 - 18/11/2016)

Chung tay vì người nghèo

10:30, 18/11/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Mặc dù đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều nội dung, chương trình phát triển kinh tế nhưng về cơ bản, Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Thiên tai, lũ lụt và những tác động từ sự cố môi trường khiến người dân xứ Nghệ vốn đã nhiều lam lũ, nay lại càng phải nỗ lực hơn trong khát vọng thoát nghèo bền vững.

Để chia sẻ với những vất vả của người dân, thời gian qua, các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trên khắp cả nước và địa bàn tỉnh đã chung tay giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ cho bà con xây dựng cuộc sống ấm no hơn.

Các gia đình chính sách chia sẻ niềm vui với bà con khi được xây nhà mới
Các gia đình chính sách chia sẻ niềm vui với bà con khi được xây nhà mới

Theo số liệu thống kê, đến nay, hộ nghèo theo chuẩn mới ở Nghệ An vẫn còn 92.205 hộ, trong đó nguy cơ tái nghèo rất lớn với 80.464 hộ. Hàng năm, tiếp tục thực hiện Thư của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh, các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đã tổ chức quyên góp ủng hộ xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho các hộ nghèo.

Cùng với các nguồn vốn của Ban Chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo và các đoàn thể xã hội, cuộc vận động ''Vì người nghèo'' do Mặt trận Tổ quốc phát động đang có ảnh hưởng khá sâu rộng tại các địa bàn dân cư. Chương trình “Tết vì người nghèo” nhằm biểu dương các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” đã trở thành một hoạt động truyền thống hết sức cảm động và ý nghĩa, nhằm kêu gọi các nguồn lực giúp đỡ người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, nạn nhân chất độc da cam... để giúp người dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo.

10 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã quyên góp được khoảng 19,7 tỉ đồng để ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, đã có 144 nhà đại đoàn kết được xây mới, 93 căn nhà được sửa chữa. Bên cạnh nhiều địa phương thực hiện tốt, trong năm 2016 vẫn có một số huyện triển khai kém hiệu quả như: Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Con Cuông, Quỳ Hợp...

Công an Nghệ An là một trong nhiều đơn vị thực hiện tốt phong trào hỗ trợ, ủng hộ người nghèo trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, lãnh đạo Công an tỉnh đều quan tâm thực hiện hoạt động tình nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”, tổ chức thăm hỏi, động viên hàng trăm CBCS và thân nhân bị thương, ốm đau, bệnh tật dài ngày; tặng quà, thăm hỏi gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người già neo đơn, học sinh nghèo vượt khó học giỏi, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2016, đơn vị đã trao tặng tổng số tiền 550 triệu đồng cùng nhiều vật phẩm cho các trường hợp.

Bên cạnh đó, Công an Nghệ An đã phát động toàn lực lượng ủng hộ chương trình “Tết vì người nghèo” với tổng số tiền hơn 880 triệu đồng; phối hợp tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm tặng quà cho người nghèo với tổng trị giá hơn 875 triệu đồng.

Trong các trường hợp có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể không nhắc đến những đối tượng gia đình chính sách. Hiện, Nghệ An vẫn còn gần 1.500 gia đình liệt sỹ đặc biệt khó khăn về nhà ở, cuộc sống còn nhiều gian truân, vất vả. Thấu hiểu và chia sẻ với những hoàn cảnh đó, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Nghệ An đã có nhiều hoạt động kết nối, khai thác thông tin với các tổ chức, cá nhân. Thời gian qua, Hội đã vận động ủng hộ 1,338 tỉ đồng, hỗ trợ xây dựng 9 nhà tình nghĩa, tặng 25 sổ tiết kiệm trị giá 165 triệu đồng...

Một cách giúp người dân thoát nghèo bền vững chính là tổ chức hoạt động dạy nghề, trao cho người dân “cần câu” để họ xây dựng, tạo lập cuộc sống. Vì đa phần người nghèo đều không có điều kiện ăn học đầy đủ nên các địa phương cần điều tra, khảo sát nguyện vọng một cách cụ thể, làm cơ sở để mở các lớp dạy nghề phù hợp. Đó là một quá trình bền bỉ, có khi phải thay đổi kế hoạch nhiều lần mới tìm ra phương sách phù hợp nhất đối với mỗi xã, xóm. Gần đây, Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết để giảm nghèo nhanh và bền vững thông qua dạy nghề.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, các cấp, ngành xây dựng kế hoạch, có giải pháp phù hợp, thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là điều kiện thuận lợi để các tổ chức, ban, ngành khảo sát, nghiên cứu thực hiện quy củ và thực chất hơn.

Với một địa phương quanh năm chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt như Nghệ An, câu chuyện “thoát nghèo bền vững” là “bài toán” không hề đơn giản đối với các cấp, ngành. Lựa chọn “cần câu” hay “con cá” đã không còn là vấn đề mới mà điều quan trọng là phải tìm ra giải pháp hữu hiệu, phù hợp với mỗi địa phương, gia đình trong nỗ lực thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, người dân. Có như vậy, người dân mới không đơn độc trong nỗ lực thoát nghèo, sớm xây dựng cuộc sống ổn định.

Mai Hậu

Các tin khác