Gia đình xã hội
Lời khẩn cầu từ một gia đình có 3 cựu chiến binh
(Congannghean.vn)-“Nợ nần chồng chất, lãi hàng tháng dồn dập. 2 con gái tốt nghiệp trường Y ra nhưng thất nghiệp, thằng út bộ đội Trường Sa xuất ngũ phải phiêu bạt làm thuê. Chồng chết, tôi đau ốm triền miên, mất khả năng lao động. Các cô các chú ơi, cứu gia đình tôi với...”. Đó là lời khẩn cầu của cựu chiến binh Phạm Thị Lý (SN 1962) trú tại xóm 11, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Bà Lý và con gái bị “bao vây” giữa những thông báo trả lãi hàng tháng |
Năm 1980, ở lứa tuổi đẹp nhất của người con gái, bà Phạm Thị Lý nhập ngũ, vào C4, Trung đoàn 730, Sư đoàn 427, đóng quân tại bản Mai Pha, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. 4 năm sau, bà xuất ngũ. Năm 1990, bà lập gia đình với ông Phạm Ngọc Sơn (SN 1959) - bộ đội làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào vừa trở về.
Cuộc sống đang yên lành thì do ảnh hưởng của vết thương chiến tranh, thần kinh ông Sơn bỗng thay đổi hoàn toàn, rồi ông lấy rượu làm bạn. Năm 1996, khi đứa con thứ 3 chưa tròn tuổi, ông Sơn bỏ vợ con lang thang tứ xứ. Một nách 3 con thơ, bà Lý trả căn chòi thuê ngoài chợ về nương nhờ mẹ đẻ. Để có tiền nuôi các con ăn học, bà không nề hà bất cứ việc gì từ làm muối, gặt thuê...
Thấu hiểu nỗi vất vả khổ cực của mẹ, 3 chị em rất chăm ngoan, học giỏi. Ngoài giờ học, 3 chị em rủ nhau vào cảng Lạch Quèn bắt con tôm, con cá. Con to gom lại bán, con ươn, con chết đem về nấu ăn. Thấu hiểu hoàn cảnh của mẹ con bà Lý, chính quyền địa phương đã kêu gọi các tấm lòng hảo tâm ủng hộ, quyên góp và xây cho 4 mẹ con ngôi nhà “Đại đoàn kết” 2 gian.
Mặc dù bị dị tật bẩm sinh ở bàn tay phải nhưng người con gái đầu Phạm Thị Trâm (SN 1991) vẫn thi đỗ 2 trường đại học. Tuy nhiên, em lại quyết định học Trường Cao đẳng Y dược Trung ương Hải Dương những mong sớm ra trường để phụ giúp mẹ nuôi các em ăn học. 2 năm sau, cô em Phạm Thị Oanh (SN 1993) cũng bỏ 2 trường đại học, theo học trường Y này để ở chung với chị cho đỡ tốn kém. Ngày qua ngày, 2 chị em chỉ biết chăm chỉ vừa học vừa làm thuê, nương tựa vào nhau. Còn cậu con trai út Phạm Xuân Hải (SN 1995) lên đường nhập ngũ vào Tiểu đoàn 862, Lữ đoàn 146, Vùng 4 hải quân ra làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.
Để có tiền nuôi các con ăn học, ngoài việc vắt kiệt sức lao động của mình, bà Lý phải vay vốn sinh viên 61.000.000 đồng, vay hộ nghèo 40.000.000 đồng và nhờ vay của hộ cận nghèo 10.000.000 đồng. 2 con gái lần lượt tốt nghiệp, đi xin việc khắp nơi nhưng đều không có hy vọng. Do vết thương tái phát, ông Sơn trở về nhà và mất sau đó không lâu.
Sau những tháng năm dài cố gắng, giờ đây, bà Lý kiệt sức bởi mang trong mình nhiều căn bệnh: Thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, nửa người bà tê liệt và một mắt hỏng hẳn. Bác sĩ chỉ định mổ sống lưng, mổ đục thủy tinh thể nhưng vì không có tiền nên bà đành chấp nhận.
Mỗi tháng, ngoài 700.000 đồng tiền lãi ngân hàng, chi phí sinh hoạt và ngôi nhà ngày càng xuống cấp..., gia đình bị dồn vào tận cùng khốn khó. Hoàn thành nghĩa vụ, Hải cũng không xin được việc làm. Trở về quê hương, em rơi nước mắt khi 2 chị cũng chưa có việc làm, mẹ sống nhờ vào thuốc nên sau đó, em lại phiêu bạt làm đủ nghề. Oanh theo bạn ra Hà Nội làm thuê, còn Trâm ở nhà chăm sóc mẹ. Số tiền hàng tháng Hải và Oanh gửi về cũng không đủ trả tiền lãi và lo thuốc thang cho bà Lý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Việt, Phó Chủ tịch MTTQ xã Sơn Hải cho biết: "Gia đình bà Lý nghèo khổ nhất vùng. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, chính quyền địa phương đã quan tâm và kêu gọi sự ủng hộ của các tấm lòng hảo tâm nhưng cũng chỉ giúp đỡ được một phần nào đó mà thôi”.
Một việc làm cho 2 sinh viên tốt nghiệp trường Y dược từ Sở Y tế, một chân bảo vệ cho cựu chiến sỹ Trường Sa, một sự quan tâm của hội khuyết tật, một suất chữa bệnh miễn phí cho bà Lý từ các bệnh viện... Đó là con đường ngắn nhất để giúp gia đình bà Lý thoát khỏi sự khốn khó. Mong rằng lời khẩn cầu này sẽ đến được các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và các tấm lòng hảo tâm. SĐT bà Lý: 01679.326.643.
Nguyễn Đình Lộc