Gia đình xã hội
Gia vị '3 không' tràn ngập nhiều nhà hàng
Sử dụng nguồn thực phẩm trôi nổi, nêm nếm bằng thứ gia vị không rõ nguồn gốc, xuất xứ... là sự thật phía sau những món ăn thơm phức trong nhiều nhà hàng quán nhậu khiến thực khách không khỏi rùng mình.
Những chiêu thức nấu nướng “siêu ngon, siêu rẻ” đã được đầu bếp của các nhà hàng, quán nhậu này sử dụng một cách triệt để.
CHỦ QUÁN CÒN KHÔNG DÁM ĂN!
Rơi vào cảnh “cháy túi” sau 4 tháng mở quán ăn, anh Đoàn Quý - quê miền Trung - thở dài ngao ngán khi nhắc lại câu chuyện kinh doanh của mình. Vốn là công chức nghèo, có niềm đam mê nấu nướng, sau nhiều lần đắn đo, anh quyết định mở quán bún để kiếm thêm thu nhập, đồng thời tạo việc làm thêm cho vợ trong thời gian ở nhà nuôi con nhỏ. Sau khi gom góp và vay mượn được 300 triệu đồng, vợ chồng anh thuê căn nhà mặt tiền trên địa bàn Q.Gò Vấp với giá hơn 10 triệu đồng/tháng để mở quán.
Ai biết được quy trình chế biến phía sau món ăn bắt mắt này? |
Thời gian đầu, nhờ bạn bè ủng hộ nên quán khá đông khách, mỗi ngày thu được trên dưới 2 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, còn lại được vài trăm ngàn. Với mong muốn việc kinh doanh sẽ ngày càng ổn định và đắt khách, anh Quý luôn chú ý sử dụng nguồn thực phẩm “sạch” để đảm bảo sức khỏe cho thực khách. Được một thời gian, khi không thể tiếp tục cầm cự vì quán kinh doanh ngày càng ế, anh đành phải đóng cửa sau 4 tháng hoạt động.
Anh Quý cho biết: “Nếu sử dụng thực phẩm “sạch”, nấu nướng theo đúng quy trình thì không thể nào có lời nổi, vì chi phí quá cao. Để buôn bán nhanh có lời, chủ nhiều quán ăn hiện nay đã phải tung hết các “chiêu thức” nhằm tiết kiệm chi phí. Họ đi săn lùng thực phẩm rẻ tiền tại các khu chợ, đem về nấu món. Không những thế, về gia vị họ lại sử dụng loại “3 không”: không nhãn mác, không rõ xuất xứ, không rõ hạn sử dụng...”.
Cũng theo anh Quý, trong những ngày đi tìm nguồn cung cấp thực phẩm cho quán, anh đã được nhiều người “mách nước” về loại hạt nêm “thánh đầu bếp”. Với chi phí 15 ngàn đồng, gói hạt nêm nửa ký có thể nấu được nồi nước lèo đủ cho cả trăm người ăn. Chính vì loại hạt nêm này mang lại siêu lợi nhuận, nên hiện nay nhiều hàng quán chỉ mua một ít xương heo, xương bò về hầm cho có lệ, phần còn lại họ sử dụng thứ hạt nêm rẻ tiền này để tiết kiệm chi phí và đỡ tốn thời gian ninh nấu.
Để minh chứng cho câu chuyện của mình, cựu chủ quán này đã dẫn tôi đến một quán bún bò trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp). Vốn quen biết nên khi gặp nhau, họ không ngại trao đổi chuyện kinh doanh. Vị chủ quán bún bò cười ngượng ngùng, nói: “Nấu bán kiếm tiền lời thôi. Còn ở nhà thì mình nấu cơm ăn cho nó chắc...”.
NGON, RẺ VÀ... ĐỘC
Không chỉ xuất hiện tại nhiều quán phở, quán bún, loại hạt nêm “3 không” còn được sử dụng khá phổ biến trong các nhà hàng, quán nhậu, thậm chí cả ở những nhà hàng thuộc dạng khá sang trọng. Thanh và Lâm (đều là sinh viên phụ làm bếp trong một nhà hàng tại địa bàn Q1) cho biết: Những ngày nào đông khách, chủ nhà hàng chỉ đạo cho đầu bếp đổ thêm nước, cho thêm nhiều hạt nêm để nồi nước dùng có vị béo và ngọt. Cứ vài ngày họ lại mang về cả chục bịch hạt nêm không nhãn mác, bỏ trong túi nylon. Phần lớn thứ hạt nêm này đều bị vón cục, khi nấu sẽ nổi váng bọt màu vàng. Biết loại thực phẩm này không an toàn, nên nhân viên làm việc tại đây không ai dám ăn.
Tại một quán nhậu bình dân trên đường Mã Lò (Q.Bình Tân), phóng viên đã chứng kiến đầu bếp cho một lúc 6 - 7 muỗng hạt nêm vào nồi lẩu trước khi bưng ra cho khách. Khi được hỏi, đầu bếp cho biết nồi lẩu chỉ sử dụng gói gia vị để lấy hương thơm đặc trưng, còn hạt nêm là để cho ngọt nước. Các thức ăn còn lại như rau, thịt, mực... để riêng cho khách tự chế biến tại bàn. Nhìn thứ hạt nêm màu vàng đựng trong hộp nhựa lớn, có thể biết được đây chính là thứ hạt nêm “thánh đầu bếp” vẫn được bán tràn lan trong các chợ trên địa bàn thành phố.
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM cho biết, trong thời gian vừa qua, chi cục đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra hoạt động của các nhà hàng trên địa bàn. Đoàn chỉ kiểm tra về cơ sở vật chất của quán và nguồn gốc các loại thực phẩm có đảm bảo hay không. Riêng hạt nêm, phần lớn nhà hàng khi mang về thường cho vào hộp nhựa, chứ không để nguyên trong bao bì. Họ cũng không kê khai mỗi ngày dùng hết bao nhiêu gram hạt nêm, đường, muối... Việc yêu cầu nhà hàng phải kê khai chi tiết đến từng lọ gia vị là điều rất khó thực hiện.
Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi nắm được, trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý và có biện pháp mạnh để loại bỏ các loại gia vị “3 không” nêu trên, đồng thời tăng cường tuyên truyền đến các tiểu thương chấm dứt việc bán loại hạt nêm này, các chủ nhà hàng, quán ăn ngưng sử dụng hạt nêm “3 không”... Tất cả những động thái đó nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối không để cho các cá nhân, doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận mà gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia:
“Mặc dù hiện nay chưa có nghiên cứu về tác hại cụ thể của việc sử dụng các loại hạt nêm “3 không”, nhưng có thể thấy rõ rằng hạt nêm “3 không” thường được sang chiết bởi các cơ sở tư thương nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, nên nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm là rất cao. Do vậy, người tiêu dùng lưu ý nên lựa chọn các sản phẩm hạt nêm của các đơn vị sản xuất có thương hiệu, uy tín và tuyệt đối tránh các sản phẩm hạt nêm “3 không” để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình”.
Nguồn: Báo CATP Hồ Chí Minh