Gia đình xã hội

Sáp nhập bệnh viện và trung tâm y tế tại 10 huyện, thị

Chủ trương đúng, thực hiện không dễ!

16:14, 27/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Ngày 30/9/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định 4765 phê duyệt Đề án thành lập trung tâm y tế (TTYT) huyện, thị xã, trên cơ sở sáp nhập TTYT với bệnh viện (BV) hạng III tại 10 huyện, thị xã trong toàn tỉnh. Được đánh giá là một chủ trương đúng đắn khi có sự thay đổi trong bộ máy và chức năng, nhiệm vụ, song Đề án còn bộc lộ những bất cập trong quá trình triển khai.

Mô hình “2 trong 1”

Thực hiện Thông tư liên tịch số 51/TTLT-BNY-BYT giữa Bộ Nội vụ và Bộ Y tế ngày 11/12/2015 về việc ban hành Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phòng y tế của UBND các huyện, thành, thị trực thuộc tỉnh.

Theo quyết định được UBND tỉnh phê duyệt, Đề án sáp nhập TTYT với BV hạng III sẽ được triển khai ở 10 đơn vị, gồm các huyện: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Tương Dương, Kỳ Sơn, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nam Đàn và TX Cửa Lò. Theo đó, tên gọi được lấy là TTYT huyện, thành, thị theo đơn vị hành chính, là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế có chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các hoạt động an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức khỏe theo quy định của pháp luật.

Tại một số địa phương, việc sáp nhập TTYT và BV sẽ gây lãng phí về cơ sở vật chất
Tại một số địa phương, việc sáp nhập TTYT và BV sẽ gây lãng phí về cơ sở vật chất

Theo các cơ quan chức năng, việc sáp nhập TTYT với BV tuyến huyện sẽ giảm kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, cùng với đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi khám, chữa bệnh, rút ngắn thời gian khi chỉ tiến hành ở trong một khu vực.

Mô hình được xem là “2 trong 1” này rất thuận lợi cho công tác quản lý, nhất là đối với các huyện có điều kiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực y tế còn khó khăn. Hơn nữa, với mô hình này, cán bộ quản lý đơn vị hoàn toàn có thể chủ động, linh hoạt trong công tác điều động nhân viên khi cần thiết phải ưu tiên cho công tác khám, chữa bệnh hoặc công tác dự phòng trong những thời điểm nhất định.

Còn những vướng mắc

Việc sáp nhập TTYT và BV hạng III được xác định là nhằm giảm đầu mối, giảm khoa phòng và thống nhất sự điều hành, chỉ đạo tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, bước vào triển khai, nhiều đơn vị còn tỏ ra băn khoăn về bộ máy tổ chức, kinh phí hoạt động sau khi sáp nhập.

Liên quan đến chủ trương này, ông Đặng Mạnh Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Hưng Nguyên cho rằng: Việc hợp nhất 2 đơn vị thực ra đã triển khai từ trước. Năm 2006, từ một đơn vị thống nhất cũng đã chia tách thành 2 đơn vị, TTYT đã được đầu tư cơ sở vật chất mới khang trang, nay nhập lại sẽ gây lãng phí lớn, 1 đơn vị nhưng lại hoạt động ở 2 nơi khác nhau. Không chỉ lãng phí trong cơ sở hạ tầng, khi sáp nhập sẽ dẫn đến tình trạng thừa lãnh đạo, nhất là các phòng chức năng, trong khi đội ngũ bác sĩ thiếu.

Bên cạnh đó, hiện tại TTYT và BV có 2 chế độ tài chính khác nhau, nếu TTYT được bao cấp thì bên BV được giao tự chủ một phần kinh phí, việc sáp nhập ắt hẳn sẽ gây ra những xáo trộn. Hiện tại, BVĐK huyện Hưng Nguyên có quy mô 100 giường bệnh, tổng số cán bộ nhân viên là 100 người. Còn TTYT huyện có 30 người, quản lý 23 trạm y tế. Sau khi sáp nhập, dự kiến TTYT mới sẽ có 1 Giám đốc, 3 Phó Giám đốc, 5 phòng chức năng và 18 khoa chuyên môn.

Đồng quan điểm này, Bác sĩ CK1 Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc TTYT huyện Anh Sơn - người từng có 30 năm công tác trong lĩnh vực y tế thừa nhận: Việc sáp nhập 2 đơn vị sẽ tạo ra tính chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh và hạn chế sự cồng kềnh bộ máy, từ đó làm thay đổi nhận thức của đội ngũ y, bác sĩ. Tuy nhiên, vì chức năng của 2 lĩnh vực trong cùng 1 đơn vị khi sáp nhập cũng khác nhau nên sẽ khó trong hoạt động.

“Thực tế TTYT chủ yếu là dịch vụ phục vụ còn BV là dịch vụ có tiền nên sẽ nảy sinh nhiều vấn đề về quyền lợi, tài chính. Mô hình này không xa lạ gì mà đã thực hiện trong giai đoạn trước từ 2006 - 2009, song đến nay vẫn chưa tổng kết mô hình. Nghĩa là cái được, cái tồn tại của mô hình chưa được chỉ ra nay lại tiếp tục triển khai. Nếu nhìn nhận khách quan, bản thân tôi thấy nên để 2 đơn vị độc lập”, bác sĩ Hưng cho biết thêm.

Bên cạnh đó, trong số các đơn vị TTYT sáp nhập lần này, hầu hết đều đã được xây dựng cơ sở vật chất khang trang, như TTYT huyện Quế Phong vừa mới được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trị giá hơn 16 tỉ đồng; TTYT huyện Hưng Nguyên cũng được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị hơn 18 tỉ đồng; TTYT huyện Kỳ Sơn cũng vừa hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất trị giá hơn 14 tỉ đồng… Xây dựng xong chưa lâu nhưng lại sáp nhập, điều này vô tình đã gây ra sự lãng phí đối với các công trình này.

Đánh giá về Đề án, ông Trần Văn Thế, Giám đốc BV TX Cửa Lò cũng cho rằng, sáp nhập sẽ giúp thống nhất điều hành, chỉ đạo tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ gây ra khó khăn cho đội ngũ cán bộ của cả 2 đơn vị. Các bác sĩ ở BV quen làm việc chuyên sâu, nay phải gánh thêm nhiệm vụ dự phòng, hay cán bộ từ TTYT quen với dự phòng nay có thể sẽ phải sang bệnh viện làm chuyên môn như tiêm, chuyền thì không phải ai cũng làm được. Chưa kể giải quyết chế độ cho người lao động như thế nào để đảm bảo hài hòa, không gây thắc mắc, mất đoàn kết cũng là điều đáng bàn, đòi hỏi người đứng đầu phải sắp xếp, bố trí công việc một cách phù hợp với chuyên môn và điều kiện cho phép.  

Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Đình Cừ, Chánh Văn phòng Sở Y tế thông tin: Theo quyết định phê duyệt của Đề án, Sở Y tế sẽ phối hợp với một số sở liên quan, tiến hành lập hồ sơ thành lập TTYT huyện, thị trước ngày 30/10/2016. Quan điểm của Sở là dù sáp nhập nhưng phải đảm bảo nguyên tắc ổn định tổ chức, tư tưởng cho người lao động để đảm bảo đơn vị mới hoạt động hiệu quả. Trước mắt, về biên chế và số lượng khi hợp nhất thì nhân sự làm việc tại TTYT được giao bằng tổng số cán bộ, công chức, viên chức hiện có trong chỉ tiêu, kế hoạch, biên chế, số lượng đã giao cho TTYT và BV trong năm 2016. Còn về cơ sở vật chất, bước đầu sử dụng nguyên trạng trụ sở hiện có của 2 đơn vị khi hợp nhất, nghĩa là BVĐK hiện nay sử dụng để thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh; TTYT hiện nay thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng.

Xuân Thống - Đức Thắng

Các tin khác