Bạo lực gia đình khủng khiếp hơn bạo lực thông thường bởi nỗi đau mà nó để lại dai dẳng, bế tắc, trải dài hơn cả một đời người, một thế hệ, đẩy nhiều con trẻ vào tệ nạn xã hội. Luân thường đạo lý của người Việt, nền tảng đạo đức xã hội bị đe dọa, bào mòn, bên cạnh đó, nó đã làm thiệt hại đến 3,19% GDP Việt Nam mỗi năm. Vậy nên nó không phải và không thể bị coi là chuyện nội bộ của từng gia đình mà phải được coi là vấn đề của xã hội và phải được toàn xã hội tham gia giải quyết.
Đó là chia sẻ của bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhân Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25/11).
Bà Hoàng Thị Ái Nhiên cho biết, bạo lực trên cơ sở giới hiện đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Nó không chỉ xảy ra ở các nước kém phát triển, các nước đang phát triển mà cả với các nước phát triển. Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia bởi tổn thất mang đến cho phụ nữ và trẻ em gái cũng như gây thiệt hại không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia.
Ở Việt Nam, theo thống kê của Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL, 5 năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận khoảng 20 nghìn vụ/năm với mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng. Năm 2014, báo cáo của các tổ chức phi Chính phủ đã chỉ ra, cứ 2-3 ngày ở Việt Nam lại có 1 người bị giết hại liên quan đến bạo lực gia đình, trong đó đa phần là phụ nữ và trẻ em. Năm 2015, có 31 phụ nữ, 7 trẻ em bị người thân giết hại. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, 6 tháng đầu năm 2016 đã có 20 phụ nữ, trẻ em thiệt mạng do bạo lực gia đình, trong đó có những vụ bạo lực rất dã man.
Chỉ tính ở Ngôi nhà Bình yên của Hội LHPN Việt Nam, trong tổng số hơn 600 phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, có đến 75% bị ít nhất 3 hình thức bạo lực trở lên, rất nhiều chị bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng, một số đã tự tử vài lần và may mắn được cứu. Nhiều chị bị tổn thương di chứng đến hết đời như bị cụt tay, chân, tổn thương đầu, cột sống, suy giảm sức khỏe đến hơn 70%... Nhiều cháu bé phải điều trị tâm lý trong thời gian dài tại Ngôi nhà Bình yên và Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong hành động phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ. Hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống mua bán người đã được ban hành. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đã được đẩy mạnh. Các mô hình, hoạt động hỗ trợ nạn nhân đã được triển khai, đặc biệt trong hệ thống Hội Liên hiệp phụ nữ với các phòng tư vấn, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và Ngôi nhà Bình yên. Tuy nhiên, giữa luật pháp và thực thi còn khoảng cách; quan niệm, tư duy giải quyết vấn đề bạo lực gia đình chưa có sự thay đổicăn bản, còn đổ lỗi cho nạn nhân, còn sự thờ ơ của chính quyền, xã hội; hệ thống cơ sở hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực gia đình chưa đáp ứng được nhu cầu.
Theo bà Hoàng Thị Ái Nhiên, để tiến tời một xã hội, một gia đình không có bạo lực đối với phụ nữ và để phụ nữ được an toàn vẫn còn là một chặng đường dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực và cam kết hành động mạnh mẽ của tất cả chúng ta.