Gia đình xã hội
Những thiệt hại do mưa lũ gây ra
(Congannghean.vn)-Do ảnh hưởng của mưa lũ và hoàn lưu bão số 4, trong các ngày 13 và 14/9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưa lớn khiến nhiều nhà cửa, tài sản và tính mạng của người dân bị đe dọa nghiêm trọng. Theo thống kê sơ bộ ban đầu, trong những ngày qua, Nghệ An đã có 7 người chết và mất tích do lũ lụt.
Trong những ngày qua, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phuơng trên địa bàn tỉnh Nghệ An |
Theo thông báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Trung Bộ bị nén và ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 nên ở địa bàn Nghệ An đã xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to. Qua tổng hợp cho thấy, lượng mưa từ ngày 10/9 đến 13 giờ ngày 14/9 phổ biến từ 200 - 350 mm và tập trung ở các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An.
Cụ thể, tại Mường Xén (Kỳ Sơn) 125 mm; Thạch Giám (Tương Dương) 246 mm; Con Cuông 298 mm; Quế Phong 322 mm; Quỳ Châu 267 mm; Đô Lương 292 mm… Đặc biệt, mực nước trên sông Hiếu tại Quỳ Châu xuất hiện lúc 9 giờ ngày 14/9/2016 đã đạt đỉnh ở mức 78,31 m.
Bên cạnh đó, mưa lớn đã khiến nhiều sông, suối trên địa bàn dâng cao đột ngột, cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản của người dân; nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt, cô lập hoàn toàn trong mưa lũ.
Đơn cử tại huyện Quỳ Châu, qua thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 14/9, tất cả các xã trên địa bàn đều xảy ra mưa lớn. Toàn huyện có 3 người chết và 1 người mất tích, hiện vẫn chưa xác định được danh tính. Ngoài ra, còn có 5 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 368 ha lúa bị thiệt hại nặng nề, nhiều diện tích rau màu không thể thu hoạch được. Hiện, huyện Quỳ Châu đang huy động lực lượng để tập trung tìm kiếm và khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Còn tại huyện Quế Phong, mưa lũ đã khiến 2 người mất tích và 20 ngôi nhà bị sập. Nạn nhân là cụ Vi Văn Kình (83 tuổi) ở bản Đỏn Chám, xã Mường Nọc và anh Lương Văn Thắng người Tương Dương sang địa bàn Nậm Nhóng, huyện Quế Phong để chơi thì bị lũ cuối trôi vào đêm 13/9. Ngoài ra, nhiều cột điện, trạm thu phát sóng bị đổ sập dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng, hệ thống internet bị cô lập hoàn toàn.
Các địa phương như Thanh Chương, Tương Dương, Kỳ Sơn… cũng bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ vừa qua gây ra. Tại huyện Thanh Chương, lũ đã khiến anh Trịnh Văn Đào (SN 1986) trú tại khối 15, thị trấn Dùng bị đuối nước dẫn đến tử vong khi đánh bắt cá trên sông Lam.
Qua thống kê sơ bộ, tính đến 14 giờ ngày 14/9/2016, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 70 nhà bị sập hoàn toàn, 307 nhà bị tốc mái, 392 nhà bị ngập. Riêng 4 điểm trường thuộc các xã Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Thắng của huyện Tương Dương bị ngập trên 3 m. Mưa lũ đã khiến 4.835,8 ha lúa, 2.683,9 ha ngô đông và các loại hoa màu bị ngập; 4.670 con gia cầm, 78 con gia súc bị chết; 1080,9 ha ao hồ bị ngập…
Lũ kéo về đột ngột khiến nhiều ngôi trường ở xã Yên Tĩnh (Tương Dương) bị thiệt hại nặng nề |
Cũng trong sáng 14/9, đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại huyện Đô Lương. Sau khi tiến hành kiểm tra thực tế về tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra, đồng chí Đinh Viết Hồng yêu cầu chính quyền địa phương cần sớm động viên nhân dân thu hoạch diện tích lúa hè thu đã chín trên địa bàn.
Ngoài ra, đối với các địa phương còn lại, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, tăng cường công tác thông tin truyền thông, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp để các chính quyền địa phương và người dân biết, chủ động phòng tránh.
Chiều 14/9, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cũng phát đi Thông báo số 32/VP-PCTT, báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ và cơn bão số 4 gây ra trên địa bàn.
Theo đó, tại Thông báo số 32/VP-PCTT cũng truyền đạt lại ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành những nhiệm vụ trong thời gian tới như sau: Tổ chức triển khai phương án di dời dân tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở và vùng trũng thấp đến nơi an toàn; triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ.
Trích ngân sách để tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết, gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi và bị sạt lở đất phải di dời. Tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo an toàn công trình, nhất là các công trình đang thi công và các hồ chứa nước, vận hành cửa van, đặc biệt là các hồ xung yếu; bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực xung yếu để sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố. Các công ty thủy lợi và địa phương tích cực vận hành các trạm bơm tiêu, cống tiêu và hệ thống kênh tiêu để tiêu úng, bảo vệ lúa và hoa màu.
Đối với Sở Giao thông Vận tải, bố trí lực lượng canh gác để hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, bến đò ngang, đò dọc. Đặc biệt, các địa phương cần thường xuyên thông báo việc nghiêm cấm người dân vớt củi trên sông, suối để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Vào lúc 23 giờ 30 phút ngày 13/9, do ảnh hưởng của mưa bão nên trên đường Quang Trung, TP Vinh đã có 1 cây xanh cao khoảng 15 m trên vỉa hè bị bật gốc và đổ, chắn ngang Quốc lộ 1A khiến giao thông bị ách tắc nghiêm trọng. Mặc dù đêm khuya nhưng 6 cán bộ, chiến sỹ CSGT thuộc Công an TP Vinh đã đến hiện trường để chống đỡ, dọn cây nhằm giải toả ách tắc giao thông. Hình ảnh người chiến sỹ Công an lao ra giữa mưa to gió lớn trong đêm khuya để giúp các phương tiện lưu thông an toàn đã được nhiều người dân ghi lại. |
Ngọc Thái (tổng hợp)