Gia đình xã hội

Nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện bằng methadone

09:13, 14/09/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nghệ An là tỉnh có số người nghiện ma túy cao trong cả nước. Địa bàn rộng, trong đó có nhiều địa phương ở vùng sâu vùng xa, địa hình hiểm trở, nhiều dân tộc ít người, phong tục tập quán lạc hậu nên việc tiếp cận methadone của các địa phương này gặp không ít khó khăn.

Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và phương pháp điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone trên địa bàn.

Bệnh nhân đến điều trị cai nghiện bằng mathadone tại một cơ sở y tế trên địa bàn
Bệnh nhân đến điều trị cai nghiện bằng mathadone tại một cơ sở y tế trên địa bàn

Tính đến thời điểm hiện nay, Nghệ An có 2.145 bệnh nhân đăng ký với 1.901 bệnh nhân được điều trị bằng thuốc methadone. Toàn tỉnh đã đưa vào hoạt động 12 cơ sở điều trị methadone với 38 bác sĩ, 56 tư vấn viên, 129 nhân viên hành chính đã được cấp chứng chỉ về điều trị methadone.

Theo đó, các cấp chính quyền đã phối hợp với Tổ chức sức khỏe gia đình quốc tế tiến hành khảo sát cấp phát thuốc tại 3 huyện Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu; đồng thời, mở 6 lớp đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ đang làm việc tại 12 cơ sở điều trị methadone trên địa bàn tỉnh.

Trong tổng số 1.901 bệnh nhân được khám, đánh giá trước khi điều trị bằng thuốc methadone cho thấy, tỉ lệ bệnh nhân có HIV chiếm 10,2%; 92% đang được điều trị ARV.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tần suất sử dụng chất dạng thuốc phiện giảm rõ rệt sau điều trị 3 tuần, chỉ còn 2 - 3 lần/tháng trong giai đoạn dò liều. Tuy nhiên, tình trạng tái sử dụng chất dạng thuốc phiện gia tăng thường tập trung vào các tháng 1, 2, 3 hàng năm do liên quan đến dịp lễ, Tết.

Những thông số sau 3 năm thực hiện đã cho thấy hiệu quả bước đầu của phương pháp điều trị methadone: Trong cùng thời gian sau 36 tháng điều trị, tình hình nhập viện theo thời gian điều trị methadone giảm từ 20% xuống còn 6%; tỉ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật giảm từ 47,5% xuống còn 4,1%; tỉ lệ bệnh nhân không có việc làm (thất nghiệp) giảm từ 30,4% xuống còn 6,9%. Nhờ các hoạt động của nhiều dự án phi chính phủ, nhiều bệnh nhân trở thành các tình nguyện viên nhiệt tình tham gia các hoạt động nâng cao hiệu quả, trách nhiệm cộng đồng với công tác phòng tránh HIV/AIDS.

Qua 3 năm, tỉ lệ sử dụng hêrôin bằng đường tiêm chích giảm từ 94,4% lúc bắt đầu điều trị xuống còn 0,3% sau 18 tháng điều trị, 0% sau 36 tháng điều trị; tỉ lệ sử dụng bơm kim tiêm chích ma túy từ 27,8% xuống còn 0% sau 12 tháng điều trị.

Hiện, toàn tỉnh đã đưa vào hoạt động 12 cơ sở điều trị methadone. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện để người nghiện tiếp cận và tham gia hình thức điều trị này vẫn còn hạn chế, dẫn đến bệnh nhân dễ bỏ điều trị, quay lại con đường nghiện ma túy.

Trong khi đó, việc tổ chức công tác điều trị methadone hiện nay chủ yếu là sự phối hợp về nghiệp vụ giữa cơ quan điều trị và bệnh nhân, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành như lao động, thương binh và xã hội, y tế và chính quyền địa phương nên việc giới thiệu, xét chọn, quản lý bệnh nhân chưa đảm bảo yêu cầu, dễ phát sinh những vấn đề phức tạp về ANTT.

Theo Thượng tá Nguyễn Đình Anh, Trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về Ma túy Công an Nghệ An, một số quy định của pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện vẫn còn bất cập, tạo kẽ hở cho các đối tượng lách luật.

Cụ thể, khoản 3, Điều 5, Nghị định 221 quy định: “Không lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đang tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện được quy định tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định 96/2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế”.

Trong khi đó, Nghị định 96/2012 quy định: Nếu bị phát hiện dương tính với chất ma túy dạng thuốc phiện 2 lần trở lên sau khoảng thời gian ít nhất là 1 năm kể từ ngày dùng liều ổn định tại cơ sở methadone thì bị loại khỏi chương trình.

Như vậy, trong thời gian ít nhất 1 năm kể từ ngày dùng liều ổn định tại cơ sở methadone, mặc dù có căn cứ chứng minh đối tượng vẫn đang tiếp tục sử dụng ma túy dạng thuốc phiện nhưng không được lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trong khi đó, theo Thông tư 12, người đăng ký tham gia điều trị cần làm đơn theo mẫu quy định và cơ sở điều trị chịu trách nhiệm xét chọn đối tượng tham gia điều trị không cần qua chính quyền địa phương xác nhận. Với quy định này, các đối tượng đăng ký điều trị  methadone được giải quyết nhanh, gọn, chỉ khoảng 1 tuần là có thể bắt đầu điều trị.

Do đó, nhiều người nghiện, trong đó có nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, có biểu hiện hoạt động phạm tội đang lợi dụng chương trình điều trị thuốc thay thế methadone theo Nghị định 96/NĐ-CP để trốn tránh việc bị lập hồ sơ đưa vào cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221/NĐ-CP khiến công tác quản lý nghiệp vụ gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, mục đích của phương pháp điều trị này là sử dụng thuốc methadone để thay thế các dạng thuốc phiện cùng với giải pháp tâm lý, xã hội làm cho người nghiện giảm dần, tiến tới có thể ngừng sử dụng các chất ma túy dạng thuốc phiện. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng các đối tượng nghiện vừa điều trị methadone vừa sử dụng ma túy tổng hợp.

Trong khi đó, cơ quan điều trị lại không biết thực trạng này, hoặc có thể biết nhưng không có giải pháp ngăn chặn, vì cho rằng điều trị methadone cho bệnh nhân là điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện chứ không điều trị các chất có chứa methadone.

Vì thế cần bổ sung quy định về việc xử lý đối với số người nghiện tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone nhưng có căn cứ chứng minh vẫn tiếp tục sử dụng các chất ma túy để có chế tài xử lý hiệu quả; đồng thời, cần nâng cao hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa các Trung tâm điều trị methadone với Công an các đơn vị, địa phương, ngành lao động, thương binh và xã hội, y tế và chính quyền địa phương để tạo thành một quy trình quản lý chặt chẽ từ việc xét hồ sơ, quản lý đối tượng tại địa phương, tạo điều kiện về việc làm… cho người điều trị nghiện để họ yên tâm điều trị.

Phương pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone trong những năm qua được xem là giải pháp cai nghiện có nhiều ưu điểm và đang phát huy hiệu quả tích cực, nhất là trong điều kiện tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Trong điều kiện nguồn kinh phí có hạn, cần đẩy mạnh việc lồng ghép hoạt động điều trị methadone với hệ thống tổ chức mạng lưới y tế và các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh để tiết kiệm nguồn nhân lực, tạo thuận lợi giúp người bệnh có thễ dễ dàng tiếp cận nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Mai Hậu

Các tin khác