Gia đình xã hội

Người cựu chiến binh đam mê những khuôn hình

15:04, 08/09/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Ngồi trước mặt tôi là người đàn ông đã gần 70 tuổi. Những ám ảnh khôn nguôi, dai dẳng về chiến tranh, những bất hạnh không vui trong cuộc đời in dấu trên gương mặt khắc khổ của người cựu binh khiến ông già hơn so với tuổi… Cứ ngỡ bao thăng trầm có thể vùi lấp niềm vui, những hy vọng tốt đẹp về cuộc đời trong ông, nhưng chính trong gian truân đó, ông đã tự tìm và say mê theo đuổi một công việc mới, giúp ông ghi lại những con đường, cánh rừng, những chiến trường mà ông và đồng đội đã từng đi qua và anh dũng chiến đấu. Ông là Hồ Ngọc Nhuần (SN 1952) trú tại khối 12, phường Cửa Nam, TP Vinh, người mà đồng đội vẫn thân gọi là “Nhuần camera”.

Ông Nhuần tỉ mẩn lau chùi chiếc máy quay đã bao năm gắn bó
Ông Nhuần tỉ mẩn lau chùi chiếc máy quay đã bao năm gắn bó

Trong ki-ốt chưa đầy 6 m2 tại con đường tấp nập Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, ông Nhuần cho tôi xem những tấm ảnh, cuộn phim mà ông đã ghi và quay lại trong gần 10 năm qua. Trên bức tường vôi cũ kỹ, những khung hình được ông treo trang trọng và chiếm gần hết diện tích của căn phòng. Những tấm ảnh được ghi ngày tháng cụ thể, những cuộn phim được ông giữ gìn cẩn thận.

“Đó là tài sản lớn nhất của tôi. Mỗi lần xem lại chúng, chiếu phim cho mọi người xem, tôi như được sống lại một phần ký ức cùng đồng đội xưa”, người cựu chiến binh già ngậm ngùi chia sẻ.

Cũng như bao đồng đội khác, năm 18 tuổi, ông Nhuần tham gia quân ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông được phiên chế về Trung đoàn 270, rồi Trung đoàn 48, có nhiệm vụ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Dù bị thương với thương tật 20% nhưng ông vẫn tiếp tục tham gia chiến đấu, bảo vệ hành lang cho Đoàn 559, Trung đoàn 18 pháo cao xạ.

Phụ trách trận địa giả thu hút lực lượng địch một thời gian, ông lại bị thương. Lần này nặng hơn, mức độ ảnh hưởng lên đến 61%. Cho đến bây giờ, khắp cơ thể gầy gò của ông, những vết thương vẫn chằng chịt trên tay, chân, rồi cổ, bụng… Di chứng chiến tranh khiến ông phải nằm điều trị một thời gian dài tại Viện 108, rồi Khu điều dưỡng Tâm thần kinh Kim Bảng, Hà Nam Ninh cũ. Sát cánh bên ông trong những năm tháng gian khó đó là người vợ tảo tần - bà Nguyễn Thị Hoài.

Trở về sau cuộc chiến tranh, năm 1976, ông lập gia đình, rồi 2 người con lần lượt chào đời sau đó không lâu. Nhưng niềm hạnh phúc chẳng tày gang. Di chứng chiến tranh không chỉ là nguyên nhân làm sức khỏe ông suy yếu mà còn khiến người con trai đầu trở thành nạn nhân chất độc da cam. Dù đã 20 tuổi nhưng cậu vẫn như đứa trẻ thơ dại. Rồi, một trận cảm hàn nặng nề đã khiến ông mãi mãi mất đi đứa con trai yêu dấu.

Người con gái thứ hai sau cuộc hôn nhân không hạnh phúc cũng đã xa xứ, để lại 2 người cháu ngoại hiện đang ở với ông bà. Để mưu sinh, gia đình ông mở một tiệm sửa xe đạp và bán nhiều thứ lặt vặt tại ki-ốt nhỏ.

Cuộc đời với nhiều thăng trầm nên khi chia sẻ về nó, giọng ông như trầm hẳn. Chỉ đến khi quay lại với những thước phim, tấm ảnh, ông mới phấn khởi, hồ hởi. Ông Nhuần cho biết: Nhiều lần cùng các đoàn cựu chiến binh vào thăm chiến trường xưa, tôi rất muốn ghi lại những khoảnh khắc thiêng liêng ấy. Đó cũng là niềm mong mỏi của những đồng đội cũ của ông.

Năm 2008, sau nhiều năm chắt chiu, ông mua một chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ. Nhưng máy ảnh chỉ chụp được một khoảnh khắc nhất định mà chẳng thể lưu lại những chuyển động, những xúc cảm của đồng đội cũ khi trở về chiến trường xưa. Tiết kiệm từ nguồn hỗ trợ thương binh cùng khoản chi tiêu hàng ngày, ông mua một chiếc máy quay băng trị giá 6 triệu đồng.

Trong một lần về Thành cổ Quảng Trị, ông vô tình gặp một nhà báo của Đài Truyền hình Nghệ An. Cảm phục trước niềm say mê của ông Nhuần, nhà báo nọ đã về chuyển tải nội dung với Giám đốc Đài Truyền hình Nghệ An lúc bấy giờ là ông Trần Duy Ngoãn. Từ cơ duyên đó, ông có điều kiện bổ sung thêm trong “hộp đồ nghề” của mình chiếc máy quay HD.

Để có những thước phim đẹp và sống động, ông tự mày mò, nghiên cứu rồi học hỏi thêm từ sách vở, từ những người làm nghề chuyên nghiệp. Gặp ai là ông hỏi đó, chẳng nề hà hay ngại ngần mình nhiều tuổi hay thiếu kinh nghiệm. Những Cồn Tiên, Dốc Miếu, Ái Tử, Hồ Khê… đã gắn bó bao năm nay được tái hiện một cách sinh động qua góc quay của người cựu binh già.

Sức khỏe chẳng còn ổn định, trong khi để làm việc, ông phải mang rất nhiều thiết bị lỉnh kỉnh, tuy nhiên, cứ khi nào có lời mời, có cuộc điện thoại hẹn ở chiến trường xưa, ông lại hăng hái chuẩn bị lên đường. “Từng tự tay chôn cất đồng đội, tôi biết mình may mắn hơn bao người đã vì cuộc chiến mà gửi lại tuổi thanh xuân nơi chiến trường. Tôi quay những thước phim đó như một sự tri ân với đồng đội cũ”, ông Nhuần lạc quan chia sẻ.

Mai Hậu

Các tin khác