(Congannghean.vn)-Việc hỗ trợ kinh phí để giúp gia đình chính sách có nhà ở kiên cố đang được các cấp, ngành tích cực quan tâm, đôn đốc thực hiện. Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, công tác này đã được xã hội hoá để toàn dân chung tay, giúp đỡ nhằm phần nào giảm bớt sự khó khăn, thiếu thốn của các gia đình có công với cách mạng. Tuy nhiên, trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay vẫn còn không ít gia đình chính sách đang phải sống trong các căn nhà dột nát, tạm bợ, rất cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội.
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Nghệ An tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa cho bà La Thị Tân, mẹ liệt sỹ ở bản Tân Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam ủng hộ. |
Ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về việc hỗ trợ người có công với cách mạng có nhà ở. Qua đó, mức hỗ trợ được quy định tại Quyết định 22 như sau: Hộ đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây) với mức hỗ trợ là 40 triệu đồng/hộ nếu phải phá dỡ để xây mới nhà ở; hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ nếu phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.
Sau khi Quyết định chính thức có hiệu lực từ ngày 15/6/2013, nhiều địa phương trên cả nước đã nhanh chóng tiến hành rà soát, thống kê theo hướng dẫn. Theo đó, Nghệ An có khoảng gần 29.000 hộ gia đình có công với cách mạng cần được hỗ trợ về nhà ở, trong đó có 13.748 hộ xây dựng mới nhà, còn lại là sửa chữa, nâng cấp. Trong những năm qua, thực hiện Quyết định trên, mỗi năm, toàn tỉnh cũng đã có hàng trăm hộ gia đình chính sách được hỗ trợ về nhà ở.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã hỗ trợ, xây dựng mới cho 92 hộ gia đình có công với cách mạng có nhà ở, với kinh phí 5,98 tỉ đồng và sửa chữa nâng cấp 100 nhà với kinh phí 2,55 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo thống kê của các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh thì mức hỗ trợ kinh phí để người có công với cách mạng có nhà ở vẫn đang chậm. Nhiều địa phương đã tiến hành lập danh sách đề xuất hỗ trợ nhưng các gia đình chính sách vẫn phải chờ kinh phí.
Ông Hồ Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Sau khi có Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, huyện đã tiến hành rà soát, lập danh sách các gia đình có công với cách mạng có nhu cầu về nhà ở để báo cáo lên cấp trên. Theo đó, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu được phê duyệt xây dựng mới 1.054 nhà và có 315 nhà cần được sửa chữa, nâng cấp.
Tuy nhiên, trên thực tế, để chất lượng các công trình nhà ở cho người có công với cách mạng được kiên cố hơn, ngoài mức hỗ trợ, huyện Quỳnh Lưu đã tiến hành lồng ghép trong các hoạt động xã hội để kêu gọi xã hội hoá công tác này. Nhờ đó, trong những năm qua, trên địa bàn huyện đã huy động được trên 15 tỉ đồng từ nguồn xã hội hoá để hỗ trợ, xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách.
Cùng với Quỳnh Lưu, tại nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An, phong trào “Xây nhà tình nghĩa” cho gia đình chính sách cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song song với việc thực hiện Quyết định 22 của Chính phủ, thời gian qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân cùng chung tay, giúp đỡ gia đình có công với cách mạng có nhà ở và hỗ trợ về sản xuất, từng bước giúp họ giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống. Riêng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ, từ năm 2014 đến nay cũng đã vận động, xây tặng 70 nhà tình nghĩa với kinh phí 3,5 tỉ đồng.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều gia đình có công với cách mạng đang gặp hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ, trong đó có nhà ở. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì với mức hỗ trợ theo Quyết định 22 của Chính phủ để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách vẫn chưa thể đáp ứng đủ. Vì vậy, để tích cực hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách rất cần sự chung tay, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…và nhân rộng hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn xã hội.