Gia đình xã hội
Nâng cao đời sống công nhân
(Congannghean.vn)-Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN), số lượng công nhân trên địa bàn Nghệ An tăng nhanh. Đây là lực lượng lao động đóng góp rất quan trọng và tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa cho địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, đời sống của họ vẫn còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của xã hội.
Những năm gần đây, tại Nghệ An, các khu KKT, KCN trọng điểm được mở rộng, xây mới, tạo nền móng hạ tầng công nghiệp sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư. Cùng với chính sách mở cửa, trải thảm đỏ thu hút đầu tư và những nỗ lực cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, tỉnh Nghệ An đã tăng thêm 18 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014, vươn lên vào nhóm các tỉnh khá.
Công nhân các KCN ngày càng được DN đảm bảo về quyền lợi |
Công nhân ở KCN còn nhiều khó khăn
Trong thời gian gần đây, hàng loạt dự án lớn hoạt động hiệu quả đã mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh. Trung bình hàng năm, hoạt động của các KCN, KKT đóng góp khoảng 10% trong tổng thu ngân sách của tỉnh; riêng năm 2015 là 850 tỉ đồng. Các KKT, KCN trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nếu đạt mục tiêu đề ra, KCN, đô thị - dịch vụ VSIP dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động trên địa bàn.
Cùng với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các KKT, KCN, số lượng công nhân trên địa bàn tỉnh cũng tăng cao. Hiện nay, Nghệ An có gần 190.000 công nhân, trong đó KKT Đông Nam có hơn 16.000 công nhân. Thời gian qua, mặc dù đã được DN và các tổ chức công đoàn chú trọng chăm lo đời sống vật chất song nhìn chung, cuộc sống của NLĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Để có thêm thu nhập, phần lớn công nhân của các KCN đều làm tăng ca nên gần như không có thời gian để nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Ngoài ra, với đặc thù hầu hết các DN trong các KCN trên địa bàn đều là DN vừa và nhỏ, nhiều ngành nghề đặc thù sản xuất theo mùa vụ nên việc làm của NLĐ không ổn định. Bên cạnh đó, thu nhập của công nhân còn thấp, tiền lương bình quân tuy có tăng so với trước đây nhưng đời sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, nhiều DN còn thờ ơ với đời sống của NLĐ. Hiện, mức lương trung bình của công nhân khoảng 3 triệu đồng/tháng, nếu làm tăng ca 3 - 4 tiếng/ngày thì thu nhập cũng chỉ được 4 - 5 triệu đồng/tháng. Tiền lương hàng tháng chỉ đủ chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu, trong khi đó, giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhanh, vì thế chất lượng cuộc sống rất thấp. Hơn nữa, nhiều DN không chịu ký hợp đồng lao động và cho công nhân tham gia đóng BHXH đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của NLĐ.
Ngoài ra, nhiều DN còn vi phạm Luật Lao động, không thực hiện các chế độ, quyền lợi hợp pháp cho NLĐ theo quy định của pháp luật. Cơ sở vật chất và điều kiện làm việc của công nhân tại các DN còn nhiều hạn chế, nhất là trang thiết bị bảo hộ lao động chưa đảm bảo an toàn, thiếu phòng nghỉ trưa, nhiều công nhân phải làm việc trong xưởng sản xuất trong điều kiện nóng, bụi, ồn ào dẫn đến việc khi xảy ra tai nạn lao động, công nhân không được đảm bảo quyền lợi.
Điển hình, vào ngày 18/4/2015, tại Công ty Thế giới gỗ đóng tại KCN Nam Cấm xảy ra vụ nổ lò hơi khiến 11 công nhân bị thương. Điều đáng nói là cả 11 công nhân này đều chưa được ký hợp đồng lao động và tham gia đóng bảo hiểm. Cho đến thời điểm xảy ra vụ nổ, Công ty Thế giới gỗ mới chỉ đóng bảo hiểm cho 1 lao động duy nhất.
Cũng tại Công ty này, sáng 15/3/2016, hơn 200 công nhân đã ngừng làm việc để đòi một số quyền lợi, chế độ lao động, trong đó nổi cộm là vấn đề tiền lương, tiền tăng ca, bảo hiểm, phụ cấp độc hại không đảm bảo, mặc dù đã kiến nghị nhiều lần nhưng lãnh đạo Công ty vẫn thờ ơ. Trước đó, gần 1.000 công nhân của nhà máy may mặc thuộc Công ty TNHH MLB Tenegry tại huyện Yên Thành đã đồng loạt nghỉ việc vì cho rằng chế độ lương bổng, phụ cấp, ăn trưa quá thấp.
Nỗ lực nâng cao đời sống công nhân
Trong những năm gần đây, chia sẻ một phần khó khăn của công nhân tại các KCN, nhiều DN cũng như các tổ chức công đoàn đã có nhiều giải pháp nâng cao đời sống NLĐ. Ngoài việc đảm bảo các quyền lợi, trong tương lai sẽ hình thành những khu dân cư dành cho công nhân với rất nhiều nhu cầu về an sinh, phúc lợi xã hội, giáo dục, văn hóa… nhằm tạo điều kiện tốt nhất để NLĐ “an cư, lạc nghiệp”, làm việc lâu dài. Nắm bắt được nhu cầu thiết thực của NLĐ, Công đoàn KKT Đông Nam đã tổ chức thành lập câu lạc bộ công nhân tại KCN Bắc Vinh.
Theo bà Trần Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam, việc thành lập CLB công nhân là điều rất cần thiết trong bối cảnh đời sống vật chất của công nhân còn nhiều khó khăn. Với mục tiêu tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích, CLB đã thu hút được 500 công nhân tham gia, với các hoạt động chủ yếu là giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể thao và tổ chức những buổi tư vấn về sức khỏe sinh sản, tâm lý cho NLĐ.
Thời gian qua, các DN cùng với tổ chức công đoàn thường xuyên tổ chức tuyên truyền về Luật Lao động, BHXH, tư vấn sức khỏe sinh sản cho NLĐ. Tổ chức nhiều buổi đối thoại giữa NLĐ với chính quyền, các ngành chức năng với nội dung tập trung vào chế độ cho công nhân trực tiếp sản xuất như: Bảo hộ lao động, công tác ATVSTP, phòng, chống cháy nổ, chế độ ăn ca, ngày nghỉ lễ… Thông qua những hoạt động này, NLĐ hiểu rõ hơn về quyền, nghĩa vụ và được nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình với DN.
Trong 5 năm gần đây, với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã lấy tháng 5 làm tháng công nhân với nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về NLĐ. Trong tháng công nhân năm 2016 đã diễn ra nhiều hoạt động thiết thực. Theo đó, có 162 DN tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao với 33.821 người tham gia. Tiêu biểu là hội thi “Hát cho công nhân nghe” của huyện Nghĩa Đàn, TX Thái Hòa, TX Cửa Lò; giải bóng đá nữ của Công ty điện tử BSE Việt Nam thuộc Công đoàn KKT Đông Nam.
Phương Thủy