Gia đình xã hội
Xâm hại tình dục trẻ em: Hành vi nguy hiểm đối với xã hội
Bộ luật Hình sự năm 1999 của nước ta có quy định rõ các tội danh hiếp dâm trẻ em (Điều 112) cưỡng dâm trẻ em (Điều 114) giao cấu với trẻ em (Điều 115) và dâm ô đối với trẻ em (Điều 116).
Khái niệm trẻ em được hiểu là những người vừa tròn 16 tuổi trở xuống, gồm cả nam và nữ. Những quy định rõ ràng ấy được xem là tiến bộ và chặt chẽ nhằm chế tài những hành vi xâm hại tình dục trẻ em - một trong những vấn nạn nhức nhối của xã hội ngày nay.
Khái niệm “xâm hại tình dục trẻ em” có ngữ nghĩa rất rộng, trong đó bao gồm nhiều hành vi chưa cấu thành tội phạm rõ ràng, được bỏ qua do thiếu cơ sở để xử lý hình sự. Trong đời sống, hành vi xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ở nhiều nơi, vào nhiều thời điểm.
Thống kê của ngành xã hội học cho biết tại Việt Nam cho thấy, mỗi năm có 2.000 trường hợp xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện, trong đó nhiều trường hợp không rơi vào 3 tội danh ở các điều 112, 114 và 115 nên không xử lý hình sự được. Riêng đối với tội danh dâm ô đối với trẻ em (điều 116), có khi xử lý được, có khi không xử lý do nhận thức về hành vi dâm ô nơi một số cơ quan cấp xã phường còn mơ hồ, cho rằng chưa gây nên hậu quả nghiêm trọng cho trẻ nên bỏ qua.
Xâm hại tình dục trẻ em được hiểu là toàn bộ các hành vi, lời nói nhằm khêu gợi trẻ em nghĩ đến hoạt động tình dục hay dẫn dắt trẻ em đến hoạt động tình dục cụ thể; dù chưa làm tổn thương cơ thể của trẻ em thì khái niệm xâm hại tình dục trẻ em đã hoàn thành rồi. Do vậy, xâm hại tình dục trẻ em là một loại hành vi nguy hiểm đối với xã hội. Hành vi này được phân ra thành hai loại: xâm hại không đụng chạm và xâm hại có đụng chạm.
Trong xâm hại tình dục không đụng chạm, kẻ thực hiện không có hành vi đụng chạm đến thân thể trẻ em nhưng tất cả những hành vi và lời nói của chủ thể này đều nhằm khơi gợi hoặc dẫn dắt trẻ em nghĩ đến sinh hoạt tình dục.
Về hành vi, kẻ thực hiện thường dụ dỗ cho trẻ xem hình ảnh khiêu dâm, phim khiêu dâm hay đọc các thứ văn bản nói về sinh hoạt tình dục (của người lớn). Kẻ thực hiện nói với trẻ về những vùng nhạy cảm trên thân thể, hướng trẻ đến sự tưởng tượng về những hoạt động tình dục cụ thể. Một người kể một câu chuyện tục tĩu hay có một hành vi tục tĩu như thản nhiên đi tiểu trước mặt trẻ em thì đã bị xem là xâm hại tình dục trẻ em.
Trong xâm hại tình dục có động chạm, kẻ thực hiện thường có những hành vi đụng chạm vào thân thể trẻ, đụng chạm vào những vùng nhạy cảm hay chỗ kín đáo của trẻ. Kèm theo những động chạm đó, kẻ thực hiện thường có lời dẫn dụ trẻ đi đến hành động tình dục.
Theo pháp luật hình sự Việt Nam, kẻ nào thực hiện việc không đụng chạm hay có đụng chạm vào thân thể trẻ, dù không đi đến mục đích sau cùng là giao cấu với trẻ thì vẫn bị xử lý với tội danh dâm ô đối với trẻ em (điều 116). Nếu kẻ ấy đi đến mục đích cuối cùng là giao cấu với trẻ em thì tội danh trong trường hợp này sẽ là hiếp dâm trẻ em (điều 112) hay giao cấu với trẻ em (điều 115) tùy theo số tuổi của nạn nhân (trẻ em) được tính ra căn cứ vào khai sinh hợp pháp.
Người Việt Nam trước nay thường cho phép thể hiện những tình cảm thân thiết đối với trẻ em nên khiến người ta dễ quên hoặc không biết những quy định pháp luật. Một người lớn tuổi gặp một đứa trẻ khác phái thường biểu lộ lòng thương yêu trẻ em bằng cách vuốt tóc, bẹo má, ôm vai, xoa lưng hay ôm hôn. Những hành động ấy đều là dấu hiệu xâm hại tình dục trẻ em, dù là diễn ra ở chỗ đông người!
Nhiều phụ huynh có quan niệm chỉ 'giữ gìn' cho con gái. Trong khi đó, thực tế thì tình trạng xâm hại tình dục trẻ em nam đang gia tăng và đầy cạm bẫy.
Trong khi đó, pháp luật Mỹ quy định rất rõ ràng: Một người khách đến thăm nhà bạn, chỉ được phép bắt tay đứa trẻ trước mặt cha (hay mẹ) của trẻ. Thấy một đứa trẻ đứng bơ vơ một mình bên đường, một người tốt bụng chỉ được làm một chuyện là gọi điện báo cho cảnh sát đến giúp đứa trẻ chứ không được phép đến bên đứa trẻ vuốt tóc, vỗ vai, hỏi han. Camera an ninh ghi lại được các hành động ấy thì người tốt bụng có thể bị truy tố về hành vi xâm hại tình dục trẻ em; trong trường hợp đứa trẻ khóc lên thì có thể bị truy tố hành vi bắt cóc.
Thống kê xã hội cũng cho biết ở Việt Nam, kẻ thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em thường là người quen biết với gia đình, thậm chí là những người trong thân tộc của trẻ. Bởi các mối quan hệ quen biết, thân thuộc ấy nên các bậc làm cha mẹ thường ít quan tâm đến tình trạng khi mình đi vắng, bỏ trẻ con ở nhà một mình. Trẻ em bị xâm hại luôn luôn bị tổn thương tinh thần nhưng khó thuật lại cho cha mẹ biết và chính sự cam chịu đó lại làm trẻ tổn thương thêm, có thể dẫn đến những sang chấn tâm lý khi trưởng thành.
Nhà trường của chúng ta cũng có môn học về giới tính nhưng bộ môn này chưa được xem trọng. Một số tiết dạy hoặc chính khóa hoặc ngoại khóa về thân thể con người, về quan hệ tình dục trong trạng thái người dạy thiếu kỹ năng chuyên môn, người học vừa học vừa cười, căn bản không đem lại kết quả tích cực nào cả. Cách dạy ấy chưa cho học sinh thấy rõ chuyện giới tính, tình dục là những vấn đề thiết thân của trẻ. Và hệ quả nhãn tiền thật xót xa: Cứ 100 ca nạo phá thai thì có 45 ca là trẻ em gái chưa thành niên (dưới 18 tuổi).
Trong hệ thống giáo dục của Mỹ và những nước tiên tiến khác, giáo dục giới tính là một môn học chính quy; giá trị của môn học này ngang bằng với các môn văn, toán, lý, hóa. Học sinh được học chính khóa, thảo luận nhóm, nêu ý kiến phản biện. Trẻ đắc thủ được những kinh nghiệm, kỹ năng tự phòng chống xâm hại tình dục riêng cho mình; lại biết tự phòng tránh những trường hợp có thai ngoài ý muốn. Mỹ, Pháp, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch nổi tiếng là những quốc gia “thoáng” về quan hệ tình dục nhưng tỷ lệ nạo phá thai của trẻ chưa thành niên ở các nước này là rất ít so với các nước châu Á.
Ngay trong gia đình, cha mẹ đã có thể là những người dạy cho con cái những bài học vỡ lòng về giới tính. Người Nhật Bản có cái hay là thỉnh thoảng cha mẹ cùng tắm chung với con; mẹ tắm chung với con trai, cha tắm chung với con gái. Trong khi tắm, cha mẹ dạy cho trẻ nơi nào trên thân thể của trẻ là chỗ kín đáo, không cho phép người lạ đụng vào và nếu bị đụng chạm vào, trẻ phải biết phản ứng ra sao. Ở Ấn Độ, các tổ chức phụ nữ lại phát cho các bé gái một… chiếc còi. Bé gái được dạy kỹ năng nếu cảm thấy mình sắp bị ai đó xâm hại thì thổi còi lên để được người khác quan tâm giải cứu.
Đất nước ta là một trong những quốc gia ký Công ước Quyền trẻ em đầu tiên nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em rất đau lòng. Ở một tỉnh phía bắc, một nhân viên bảo vệ đã có hành vi xâm hại tình dục với mấy chục em nữ sinh một trường dân tộc nội trú; vụ việc chỉ được biết ra khi một bé gái xin cha mẹ cho nghỉ học vì không dám đến trường.
Ở một thành phố phía nam, một người nước ngoài mắc chứng ấu dâm đồng tính đã xâm hại tình dục với nhiều bé trai không gia đình nương tựa. Những vụ án hiếp dâm trẻ em, dâm ô đối với trẻ em xảy ra trên cả nước đã được điều tra làm rõ và truy tố, xét xử.
Hơn ai hết, cha mẹ trong gia đình và thầy cô trong các nhà trường tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, trung cấp dạy nghề là những người gần gũi nhất đối với trẻ em, có thể dạy cho trẻ em kỹ năng tự bảo vệ mình trước những kẻ xâm hại tình dục. Những kỹ năng ấy có thể là: không để ai vào nhà khi cha mẹ vắng nhà, phải biết la lên khi bị ai đó ôm vai vuốt tóc, phải biết gây tiếng động cầu cứu đối với hàng xóm, phải biết hành động chống trả quyết liệt đối với kẻ muốn xâm hại mình, tránh đi một mình vào chỗ vắng vẻ hay chỗ thiếu ánh sáng...
Nguồn: Chinhphu.vn