(Congannghean.vn)-Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách quan trọng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của nước ta nên luôn “thu hút” sự quan tâm của các cấp, ngành và được triển khai sâu rộng trên phạm vi cả nước; hướng tới chủ trương thực hiện BHYT toàn dân, vì sức khỏe cộng đồng.
Tham gia BHYT đem lại nhiều lợi ích trong quá trình khám và điều trị, đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo, bệnh nhân sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trong khi chi phí khám, chữa bệnh lớn.
Bệnh nhân nhi khám, chữa bệnh tại Khoa Răng - Hàm - Mặt Bệnh viện Đa khoa TP Vinh |
Bệnh nhân tham gia BHYT được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con; chi phí vận chuyển đối với một số nhóm đối tượng; chi trả tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn giao thông, tự tử, tự gây thương tích và điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ mắt đối với trẻ dưới 6 tuổi...
Ngoài ra, theo quy định, khi tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên, ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng theo đúng quy định, người tham gia BHYT được cấp giấy chứng nhận không đồng chi trả trong năm khi chi phí khám, chữa bệnh trong năm vượt quá 6 tháng lương cơ sở.
Thời gian qua, để từng bước thực hiện chủ trương bảo hiểm toàn dân, ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã phối hợp với nhiều cơ quan, các ngành và tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách liên quan, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc thực hiện chính sách BHYT.
Đáng chú ý, từ năm 2014, chỉ tiêu tỉ lệ người dân tham gia BHYT được đưa vào hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội trình HĐND tỉnh thông qua và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng huyện, thành phố, thị xã.
Cùng với đó, việc mở rộng các nhóm đối tượng cơ bản đã được thực hiện theo đúng lộ trình của Luật BHYT và Luật BHYT sửa đổi. Tỉ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh tăng lên qua từng năm, tăng từ 71,36% dân số tham gia BHYT năm 2012 lên 76,95% năm 2015 và đến nay là 79,5% (tương ứng 2.447.181 người tham gia).
Mạng lưới khám, chữa bệnh BHYT được mở rộng; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Theo đó, bệnh nhân được tiếp cận và chăm sóc sức khỏe từ nguồn quỹ BHYT ngay tại cộng đồng và nhiều dịch vụ y tế hiện đại.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHYT cũng như lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, ngành BHXH và Y tế gặp không ít khó khăn. Do địa bàn rộng, dân cư đông, lao động làm việc trong doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đông nhưng số người tham gia BHYT còn ít, dẫn đến tỉ lệ bao phủ giữa các địa phương và các nhóm đối tượng chưa đồng đều; đó là chưa nói đến nhiều huyện, thành, thị có tỉ lệ bao phủ tham gia BHYT thấp hơn bình quân chung.
Bên cạnh đó, trên thực tế, chất lượng khám, chữa bệnh ở một số cơ sở y tế vẫn còn nhiều hạn chế; tình trạng gian lận (mượn thẻ, sử dụng thẻ BHYT giả, CMND giả) còn nhiều…, làm ảnh hưởng không nhỏ đến ý thức tham gia BHYT của người dân và nguồn quỹ khám, chữa bệnh BHYT.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2020, mục tiêu của Nghệ An đặt ra là đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có trên 90% dân số tham gia BHYT. Với lộ trình thời gian không còn nhiều, việc đạt mục tiêu BHYT toàn dân là một thách thức không nhỏ, do đó rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và nhân dân từ tỉnh đến cơ sở.
Để đạt yêu cầu trên, ngành BHXH đang đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp để tăng nhanh tỉ lệ tham gia BHYT tại các nhóm đối tượng đang có tỉ lệ tham gia BHYT thấp; trong đó chú trọng tới tuyên truyền, thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra tình hình thực hiện chính sách pháp luật về BHYT ở các doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm.
Cùng với đó, BHXH Nghệ An tiếp tục phát triển các đại lý BHXH, BHYT để tăng khả năng tiếp cận của người dân với chính sách BHYT; đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh BHYT và phối hợp với ngành Y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.