Gia đình xã hội

Báo động tình trạng lạm dụng lao động trẻ em

14:58, 24/07/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của các gia đình ở khu vực nông thôn, miền núi, hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân đang sử dụng trẻ vị thành niên vào làm việc, bất chấp các em chưa đủ tuổi lao động và không đủ sức khỏe để thực hiện các công việc vốn chỉ dành cho người lớn. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, nhiều trẻ em buộc phải nghỉ học giữa chừng để đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ.

Từ cuộc trốn chạy của 2 phu vàng “nhí”…

Khoảng 18 giờ ngày 9/7/2016, sau 3 ngày chui lủi trong rừng sau khi đào thoát khỏi bãi vàng, 2 em Cụt Văn Toại (17 tuổi) và Hồng Văn Cầu (15 tuổi), đều trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã tìm được đến xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam trong tình trạng mệt mỏi, đói khát và được một người dân tốt bụng tại đây cứu giúp.

Tình trạng lạm dụng sức lao động của trẻ em đang là vấn đề báo động - Ảnh minh họa
Tình trạng lạm dụng sức lao động của trẻ em đang là vấn đề báo động - Ảnh minh họa

Theo lời kể của Toại và Cầu, sau Tết Bính Thân, 2 em và 5 người khác được 1 người ở quê hứa tìm cho công việc nhẹ nhàng. Tuy nhiên, sau đó, người này lại dẫn 2 em vào làm việc tại bãi vàng ở xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn. Công việc nặng nhọc, cực khổ, lại không được chủ trả lương nên sáng 6/7, 2 em rủ nhau bỏ trốn. Ra khỏi bãi vàng, cả hai cứ bươn rừng mà đi theo đường dây điện trong nỗi lo sợ sẽ bị chủ bãi vàng bắt lại.

Sau đó, 2 em được bàn giao cho chính quyền địa phương và chuyển cho Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Nam để giúp đỡ các em trở về quê.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, ở Nghệ An hiện có khoảng hơn 1 triệu trẻ em từ 0 - 16 tuổi. Trong 6 tháng đầu năm 2016, có hàng nghìn trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong đó có 111 em phải lao động trong các ngành nghề đặc biệt như khai thác đá, quặng, bốc sò, hoặc làm việc hơn 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Số lao động trẻ em phải làm việc trong môi trường nặng nhọc tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi như: Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, các em không được học hành và trở thành lao động chính trong nhà. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa phát triển dẫn đến tình trạng ruộng đất của các gia đình ngày càng giảm, làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị tăng cao khiến số lượng lao động trẻ em cũng tăng theo.

… Đến những hồi chuông cảnh báo

Hiện nay, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và hoàn cảnh khó khăn của nhiều gia đình ở khu vực nông thôn, miền núi, các đối tượng “cò mồi” thường dùng những lời lẽ đường mật để dụ dỗ trẻ em đi lao động, với lời hứa công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao. Tuy nhiên sau đó, phần lớn các em phải làm những công việc nặng nhọc, làm việc cả ngày với tiền công bèo bọt.

Lao động trẻ em do còn non nớt, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện nên sức khỏe còn hạn chế. Vì vậy, trẻ dễ bị tổn thương và rủi ro về thể chất hơn người lớn, nhất là khi các em phải làm việc với cường độ ngang bằng, thậm chí cao hơn người lớn. Ở độ tuổi này, các em cần nhận được sự kèm cặp, chỉ bảo từ gia đình và nhà trường thì ngược lại, việc lao động sớm khiến các em thiếu kiến thức xã hôi, phải tiếp xúc với những mặt trái sớm hơn. Với nhận thức còn hạn chế, nhiều em đã vướng vào vòng lao lý, vi phạm pháp luật.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Lương, Phó phòng Bảo vệ trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: “Mặc dù đã có nhiều giải pháp được triển khai nhưng đến nay, trên thực tế, tình trạng lạm dụng lao động trẻ em vẫn chưa thể giải quyết triệt để bởi cái gốc của việc trẻ em phải lao động sớm đó là đói nghèo. Muốn các em được đi học, được sống đúng với lứa tuổi của mình thì kinh tế gia đình phải được đảm bảo. Tuy nhiên,  ở các vùng miền núi, nông thôn, số hộ nghèo vẫn còn cao nên việc giải quyết vấn đề trẻ em phải trở thành lao động chính trong nhà là một thách thức lớn”.

Phương Thủy

Các tin khác