Gia đình xã hội
Ngăn chặn rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên
(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra khá nhiều vụ án mạng đau lòng mà thủ phạm là các đối tượng tâm thần trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Nhắc đến tâm thần, hầu hết nghĩ rằng đó là chứng bệnh nhưng trên thực tế, nó còn bao gồm các dạng rối loạn tâm thần khác do nghiện rượu, nghiện game, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, trầm cảm... Xuất phát từ thực trạng trên, công tác quản lý, kiểm soát những đối tượng này cần được quan tâm thực hiện nhằm góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn và giảm thiểu hệ lụy xấu.
Những hệ lụy đáng buồn
Theo nghiên cứu khoa học, nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh này là do ảnh hưởng của tình trạng thất nghiệp, cấu trúc gia đình không hoàn chỉnh (mồ côi cha mẹ, cha mẹ ly hôn…), phương pháp giáo dục không hợp lý (đánh mắng thô bạo, quá nghiêm khắc…), tác động từ các chứng tật của cha mẹ và anh chị em (nghiện rượu, nghiện ma túy, thường xuyên xung đột…).
Rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội hiện đại - Ảnh minh họa |
Ngoài ra, áp lực cuộc sống, sách báo, phim ảnh bạo lực, các văn hóa phẩm đồi trụy hay việc giao lưu với các nhóm bạn xấu cũng là những tác nhân dẫn đến tình trạng trên. Rối loạn hành vi biểu hiện các mức độ từ nhẹ đến nặng; nếu ở mức độ nặng và kéo dài sẽ dễ dẫn đến phạm tội.
Trên thực tế, các hành vi được chia thành 2 nhóm chính là: Các hành vi hung hãn, gây thiệt hại đến thể chất của người khác như: Gây gổ đánh nhau, cưỡng dâm, cố ý gây thương tích, giết người... và loại hành vi không hung hãn nhưng vi phạm các chuẩn mực xã hội, gây thiệt hại tài sản của người khác như: Gây rối trật tự công cộng, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo...
Vừa qua, tại TX Cửa Lò, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Chính sách hình sự và thực tiễn công tác thi hành án hình sự, thi hành biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội” với sự tham gia của các ban, ngành liên quan. Kết quả nghiên cứu được công bố tại Hội thảo đã khiến nhiều người không khỏi giật mình. Trung bình hàng năm xảy ra gần 10.000 vụ vi phạm pháp luật hình sự với gần 15.000 đối tượng. Hầu hết, các vụ việc trên đều liên quan đến các đối tượng chưa thành niên.
Theo kết quả điều tra của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, có khoảng 14,9% dân số Việt Nam mắc 10 chứng rối loạn tâm thần thường gặp, trong đó phổ biến là tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, mất trí, rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên... WHO nhận định, tầm nhìn đến năm 2020, SKTT có tầm quan trọng thứ nhì, sau các bệnh tim mạch. |
Bất cập và hướng giải quyết
Hệ quả của chứng rối loạn hành vi rõ ràng là vậy. Song điều đáng nói là, những bệnh lý tâm thần lại thường không được chú ý. Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, qua theo dõi những bệnh nhân tâm thần nhập viện, các bác sĩ nhận thấy: Chỉ khi người bệnh có những triệu chứng nặng, được biểu hiện qua hành vi tấn công hoặc sử dụng bạo lực đối với người xung quanh thì người nhà mới đưa họ đến điều trị.
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020... Sau 4 năm triển khai, cả nước có 31 trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện, mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần (SKTT) tại cộng đồng mới chỉ quản lý những người tâm thần phân liệt và động kinh chứ chưa quan tâm đến các rối loạn tâm thần khác, đặc biệt là trầm cảm, rối loạn hành vi, tâm thần do nghiện các chất kích thích…; trong khi việc phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh phát sinh cần có sự phối hợp giữa gia đình và cộng đồng.
Vấn đề đáng lưu tâm khác là hiện nay, nước ta chưa có luật cụ thể về SKTT và hệ thống dịch vụ chăm sóc SKTT chưa phát triển toàn diện. Tại thời điểm phạm tội, nhiều người chưa đủ 18 tuổi nên không phải chịu khung hình phạt cao nhất đối với tội danh đã gây ra.
Rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên xuất phát từ yếu tố tâm lý xã hội kết hợp với yếu tố sinh học; trong đó, yếu tố tâm lý chiếm khoảng 3/4, xuất phát từ môi trường sống. Vì vậy, công tác phòng ngừa chứng bệnh này đòi hỏi sự phối hợp tích cực giữa gia đình với các ngành giáo dục, y tế, văn hóa, Công an, tư pháp, đoàn thanh niên... nhằm góp phần giảm thiểu những hệ lụy xấu và giữ vững ANTT trên địa bàn.
Hồng Hạnh