Gia đình xã hội
Trẻ em phạm tội gia tăng, trách nhiệm của người lớn
Trong rất nhiều hội thảo liên quan đến tội phạm lứa tuổi vị thành niên, người ta chỉ ra rằng, phần lớn những người phạm tội đều thiếu sự quan tâm chu đáo của gia đình, cha mẹ. Theo đó, hầu hết là cha mẹ không hạnh phúc, ly hôn hoặc ly thân, cha mẹ mải làm ăn kiếm tiền bỏ bê con cái, cha mẹ bỏ mặc, buông lỏng quản lý con cái.
Người trẻ phạm tội, nhìn từ gia đình
Giáo dục gia đình vốn là nền tảng để hình thành nhân cách một con người. Để trưởng thành, một đứa trẻ không thể thiếu sự chăm sóc, nuôi dưỡng của gia đình. Sự ảnh hưởng của giáo dục gia đình có một dấu ấn cực kỳ sâu đậm trong nhân cách của mỗi người.
Các chuyên gia cho rằng, những người đứa trẻ được lớn lên trong một gia đình có sự giáo dục kỹ lưỡng, chúng ít có những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Trong rất nhiều hội thảo liên quan đến tội phạm lứa tuổi vị thành niên, người ta chỉ ra rằng, phần lớn những người phạm tội đều thiếu sự quan tâm chu đáo của gia đình, cha mẹ. Theo đó, hầu hết là cha mẹ không hạnh phúc, ly hôn hoặc ly thân, cha mẹ mải làm ăn kiếm tiền bỏ bê con cái, cha mẹ bỏ mặc, buông lỏng quản lý con cái. Có một tỷ lệ trẻ vị thành niên phạm tội mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ.
Có một tình trạng chung phổ biến hiện nay ở các gia đình, là bố mẹ quá bận rộn. Nhiều phụ huynh quan niệm rằng chỉ cần kiếm ra tiền, lo cho con cái ăn ngon mặc ấm là đủ. Thời gian của cha mẹ dành cho con cái ngày càng ít đi. Không có những trò chuyện, chia sẻ, thấu hiểu của các thành viên trong gia đình.
Ở lứa tuổi nổi loạn, nếu không có người bên cạnh điều chỉnh, hướng dẫn các hành vi, thì trẻ vị thành niên rất dễ bị lôi kéo, xúi giục, dễ có những hành vi không kiểm soát. Một khi những hành vi sai trái của đứa trẻ không được ngăn chặn, uốn nắn, sẽ rất dễ phát triển thành cái mầm ác, chúng rất dễ phạm tội.
Ở nông thôn hiện nay có tình trạng vì điều kiện kinh tế khó khăn, cha mẹ phải dạt về các thành phố lớn đi làm thuê để kiếm sống, để trẻ con ở nhà cho ông bà, cô dì chú bác trông nom. Ngoài những nguy cơ thương tích, xâm phạm thân thể, trẻ còn dễ bị hư hỏng tính nết, do không nhận được sự kèm cặp, giáo dục thường xuyên của người lớn. Tình trạng trẻ em bỏ học, chơi bời lêu lổng, tham gia vào các nhóm thanh niêm hư đi trộm cắp tài sản không phải là chuyện hiếm.
Người ta đưa ra rất nhiều giải pháp liên quan, nào là giáo dục nhà trường, nào là định hướng xã hội, nào là tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho những người đang trong lứa tuổi vị thành niên, nhưng thiết nghĩ đồng bộ với những giải pháp đó, nhất thiết phải đề cao vai trò, vị trí của gia đình. Giáo dục gia đình cần phải được xem là nòng cốt, là cái lõi của vấn đề. Cần một cuộc tuyên truyền sâu rộng đến các bậc phụ huynh về trách nhiệm với con cái trong gia đình.
Nền tảng của giáo dục gia đình chính là sự chăm sóc, gần gũi thương yêu nhau, lắng nghe và chia sẻ những niềm vui nỗi buồn. Một khi mỗi ngôi nhà thực sự trở thành tổ ấm, nơi mỗi đứa trẻ nhận được đủ đầy sự yêu thương, chăm sóc về tinh thần và thể chất thì nhà trường sẽ có thêm những học sinh ngoan, xã hội sẽ có thêm những công dân tốt.
Người ở tuổi vị thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng trong những năm vừa qua. |
Thiếu sự giáo dục của gia đình, những đứa trẻ rất dễ sa ngã. |
Tình trạng cha mẹ phó mặc con cái cho nhà trường, cho xã hội là sai lầm từ gốc. Vì nếu không có nền tảng gia đình chắc chắn, đứa trẻ đến trường hay ra xã hội sẽ gặp nhiều chới với rất khó để định hình tư duy, nhân cách.
Giá trị gia đình hiện nay đang có nhiều thay đổi, tỷ lệ ly hôn gia tăng, những gia đình chỉ có bố, hoặc mẹ nhiều hơn, cùng với sự du nhập của lối sống phương Tây, của cơ chế thị trường với những mặt trái phức tạp của nó đang tác động mạnh mẽ lên nhận thức của những đứa trẻ.
Nhiều hiện tượng xã hội tiêu cực có liên quan đến trẻ em như trẻ có quan hệ tình dục sớm, trẻ bị lạm dụng tình dục, bị bóc lột sức lao động, liên quan đến ma túy, nghiện game hay các tệ nạn xã hội khác… đang là một thách thức cam go với mỗi gia đình.
Làm sao để các bậc phụ huynh có thể quản lý, kiểm soát con cái mình, giúp những đứa trẻ không bị lôi cuốn vào cái xấu, cái tiêu cực. Theo đó, mỗi gia đình phải phát huy sức mạnh nội tại của mình, cha mẹ phải trở thành tấm gương với con cái, luôn dành thời gian cho con cái ở mức độ cần thiết, giáo dục con kỹ lưỡng tạo ra bức tường thành vững chắc để chống lại những giông bão cuộc đời.
Trẻ vị thành niên phạm tội là một nỗi đau của xã hội và nó chỉ được hạn chế, ngăn chặn, khi mà mỗi gia đình thực sự trở thành một tế bào khỏe mạnh, vững chắc. Khi mà các bậc làm cha làm mẹ nâng cao hơn trách nhiệm của mình, bảo vệ những đứa con còn thiếu kinh nghiệm cuộc đời, hướng cho chúng con đường đi đúng đắn.
Nguồn: Báo CAND