Gia đình xã hội

Kỷ niệm 15 năm Ngày gia đình Việt Nam (28/6)

Nuôi dưỡng 'tế bào sống' của xã hội

10:43, 27/06/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong cuộc sống, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng nhân cách của mỗi con người. Mặt khác, gia đình cũng chính là một “tế bào” của xã hội, trong đó mỗi thành viên là nhân tố chính, góp phần hình thành nên giá trị vật chất lẫn tinh thần trong cuộc sống. Chính vì vậy, việc chung tay xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc là vấn đề đang được cả xã hội quan tâm.

Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục nhân cách cho các thành viên trong mỗi gia đình. Đây được xem là nhân tố quan trọng góp phần giáo dục lòng yêu nước, tình thương yêu, sự đùm bọc lẫn nhau mà gia đình là nền tảng chính.

Gia đình có những chuẩn mực mà ta cần tôn trọng để nó mãi vững bền - Ảnh minh họa
Gia đình có những chuẩn mực mà ta cần tôn trọng để nó mãi vững bền - Ảnh minh họa

Trong cuốn sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, trang 186, thư đề ngày 31/10/1955, sau khi căn dặn thầy giáo, học sinh, cán bộ, thanh niên và nhi đồng, Bác viết: “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp đỡ nhà trường giáo dục và khuyến khích các em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng quan tâm, chỉ đạo các cấp, ngành làm tốt công tác xây dựng gia đình Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc. Bởi, xã hội muốn phát triển, văn minh thì mỗi gia đình phải thực sự là một “tế bào” khoẻ mạnh, bền vững.

Vì vậy, từ khi sinh ra và lớn lên, mỗi thành viên trong mỗi gia đình phải được giáo dục nhân cách sống, các phẩm chất tốt đẹp để tích cực cống hiến, dựng xây gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Để làm được điều đó, gia đình phải trở thành nền tảng trong việc hình thành môi trường sống lành mạnh, văn minh. Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ghi nhận một thực tế, các vị anh hùng đến những nhân tài kiệt xuất, danh nhân văn hoá thế giới, nhà khoa học lỗi lạc… đều sinh ra trong gia đình có nền tảng giáo dục, nhân cách sống đặc biệt.

Vai trò, vị thế của gia đình cũng được ghi nhận trong Chỉ thị số 55-CT/TW ngày 28/6/2000 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. T

iếp đó, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg nêu rõ, lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Điều này đã được cụ thể hoá bằng nhiều hoạt động nhằm góp phần kết nối, thắt chặt tình yêu thương giữa các thành viên trong mỗi gia đình. Nhờ vậy, dù cuộc sống hiện đại, xô bồ nhưng nhiều gia đình vẫn quan tâm tới việc tạo dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các thế hệ trong tổ ấm, để mọi người đều cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng và tầm quan trọng của việc dựng xây mái ấm của mình.

Trong 15 năm qua, cùng với sự vào cuộc tích cực của các tổ chức xã hội, công tác truyền thông hướng tới xây dựng gia đình Việt ấm no, hạnh phúc cũng đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực.

Qua thống kê cho thấy, trong cuộc sống hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau như công việc, điều kiện sống, có tới 30 - 40% gia đình không có thời gian sum họp bên bữa cơm hàng ngày. Thậm chí, ngày càng có nhiều gia đình rơi vào cảnh vợ Nam - chồng Bắc, con cái phải gửi nhà nội, nhà ngoại để bố mẹ đi làm ăn xa, khiến bữa cơm gia đình ngày càng hiếm hoi.

Cũng có không ít gia đình tuy điều kiện kinh tế đủ đầy nhưng do mải mê công việc, lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân… nên vô tình bỏ rơi các thành viên trong gia đình. Đây là những vấn đề đang được cả xã hội quan tâm, lo lắng.

Trên thực tế, không khí sum họp, đoàn viên của gia đình hàng ngày là điều kiện cần thiết để giáo dục, hình thành nhân cách sống cho con cái. Tưởng chừng như đơn giản nhưng đó lại là yếu tố quan trọng trong việc tạo dựng gia đình hạnh phúc, là “tế bào” mạnh khỏe cho sự phát triển của xã hội.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày nay, vai trò của gia đình ngày càng bị lu mờ. Hầu hết, vì cuộc sống mưu sinh lẫn lòng tham, nhiều bậc làm cha làm mẹ quên đi bổn phận, vai trò, trách nhiệm giáo dục con cái trở thành người biết sống yêu thương, sẻ chia, có ích cho xã hội.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội ngày càng gia tăng, các vụ án mạng, trộm cắp tài sản, tệ nạn xã hội chưa giảm. Vì vậy, để gia đình thực sự trở thành nền tảng trong việc hình thành nhân cách sống cho mỗi thành viên, bố mẹ phải là tấm gương cho con cái noi theo.

Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 2016 với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” và thông điệp truyền thông “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, nhiều hoạt động ý nghĩa đã diễn ra trên phạm vi cả nước. Ngày Gia đình Việt Nam cũng là dịp để con người hướng về cội nguồn yêu thương, sẻ chia.

Tuy nhiên, để hoạt động này thực sự trở thành một nét đẹp văn hoá có sức lan tỏa rộng rãi trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, ý thức tự giác của mỗi thành viên đóng vai trò rất quan trọng. Bởi hiện nay, tình trạng ly hôn, bạo hành gia đình… có xu hướng gia tăng đang khiến nhiều mái ấm có nguy cơ đổ vỡ, con cái thiệt thòi khi lớn lên. Do vậy, để xã hội ngày càng phát triển tốt đẹp, mỗi chúng ta phải tích cực tạo dựng và nhân lên các “tế bào” ấm no, hạnh phúc ngay từ bây giờ.

Ngọc Thái

Các tin khác