Theo thống kê từ Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tính đến hết năm 2015, Việt Nam đã có 19 triệu gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”. Nhưng cũng trong buổi họp tổng kết của Ban chỉ đạo, hàng loạt vấn đề liên quan tới căn bệnh thành tích và tính hiệu quả của phong trào này đã được đặt lên bàn thảo luận.
Kể từ Thông tư Liên tịch số 01 năm 2006 giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Văn hóa-Thông tin, trải qua 2 lần bãi bỏ các quyết định và quy định liên quan tới Quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, kéo dài tới Thông tư 12 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tới nay, chúng ta đã có gần 19 triệu gia đình trong tổng số 22 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu “gia đình văn hóa”. Một con số đáng kinh ngạc về “văn hóa” trong các tế bào xã hội. Chính xác là 85,03%! Phải chăng, Việt Nam đã trở thành một quốc gia tràn đầy hạnh phúc và có nền tảng văn hóa đáng ngưỡng mộ trên bản đồ thế giới?
Câu trả lời là chưa phải thế!
Cùng với sự phát triển chóng mặt của nền kinh tế, mở cửa internet, hay những trào lưu mới mẻ từ phương Tây, nền văn hóa của nước nhà cần được nhìn nhận ở những khía cạnh công bằng nhất.
Việt Nam bắt đầu thay da đổi thịt thấy rõ về điều kiện kinh tế, xã hội kể từ Đại hội VI năm 1986, khi Đảng ta khẳng định chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Đại hội VII năm 1991 và Đại hội VIII năm 1996, chúng ta ghi nhận cơ chế thị trường. Đại hội IX năm 2001, Việt Nam khẳng định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Một làn gió mới, hoàn toàn mới thổi qua đất nước ta, tạo ra những ảnh hưởng có tính bước ngoặt đối với tất cả. Nó thậm chí ngay lập tức đối lập với những âm hưởng của thời kỳ bao cấp, thời điểm mỗi gia đình, mỗi con người đều cảm nhận rõ nhất những cảm xúc không thể nào quên về văn hóa, về tình người, về sự sẻ chia trong hoàn cảnh khốn khó.
Vẫn còn, kí ức về những chàng trai Hà Nội phải cởi phăng chiếc áo bông để bán trước cửa sân Hàng Đẫy chỉ để mua tấm vé vào xem Thể Công hay Công an Hà Nội xung trận. Cũng đã hết, cái cảnh xếp hàng tem phiếu hay tằn tiện từng đồng cho bữa ăn ngày Tết. Nhưng nếu như Kinh tế tiến theo trục tung, thì Văn hóa có theo đó mà tỷ lệ thuận?
Những nhà nghiên cứu và lý luận sẽ phải trả lời câu hỏi này, sau 30 năm đổi mới. Nhưng sự thật đã và đang diễn ra, hiện hữu và mọi người đều thấy đối với mỗi người dân Việt. Từng ngày, từng giờ. Sự thật ấy nói rằng, mọi cuộc khủng hoảng kinh tế khủng khiếp nhất trên thế giới đều có thể được giải quyết trong 10, 20, hoặc 50 năm. Nhưng những vấn đề về Văn hóa thậm chí 100 năm vẫn còn dang dở.
“Gia đình văn hóa” – đó là một mệnh đề không chỉ khó kiểm soát về mặt nội dung, mà có lẽ còn nhầm lẫn về mặt khái niệm. Ai tự nhận mình không có văn hóa? Ai có quyền đánh giá văn hóa chuẩn mực của người khác? Chính xác phải là: Văn hóa “cao”, hay là “thấp” mà thôi.
Trong quá khứ, việc gắn biển “gia đình văn hóa” đã khiến cho chính quyền nhiều phen lúng túng. Việc gắn biển tôn vinh một gia đình đạt chuẩn văn hóa trong 365 ngày dựa theo các tiêu chí trên văn bản là điều... không tưởng! Không ai biết được điều gì xảy ra trong nội bộ gia đình họ, và cũng chẳng ai biết họ ứng xử, đối nhân như thế nào mỗi khi ra đường. Chính vì thế, năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phải ban hành văn bản yêu cầu không gắn biển Gia đình Văn hóa. Việc báo động xu thế xuống cấp về văn hóa ứng xử không thể chỉ gói gọn trong một đề án vài chục trang giấy. Không thể chỉ nằm ở khẩu hiệu “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Và lại càng không nằm ở những tấm biển “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Thôn văn hóa”, hay “Tổ dân phố văn hóa”.
Một gia đình văn hóa có ý nghĩa gì, nếu ghế đá công viên trở thành căn phòng khách sạn? Một tấm biển vô tri sẽ tôn vinh ai, khi những biển báo cấm xả rác, cấm đỗ xe, cấm... đủ thứ trở thành trò cười? Những lời kêu gọi và khẩu hiệu dài dằng dặc có hiệu quả gì, khi ngay ở thủ đô của cả nước vẫn còn những “bún mắng, cháo chửi”? Và thế hệ trẻ có cảm thấy tự hào về “gia đình văn hóa” của mình, khi sẵn sàng quỳ mọp xuống chân thần tượng màn bạc, nhưng lại không biết nói lời yêu thương với những người thân yêu nhất?
Không thể là lo lắng nữa, mà là báo động! Thực sự báo động về sự xuống cấp của văn hóa khi hàng ngày chúng ta vẫn chứng kiến những lời rủa xả, những cảnh đâm chém chỉ vì va chạm giao thông. Phải là báo động, khi ma túy và bia rượu khiến những đứa con sẵn sàng hủy hoại cả bản thân lẫn gia đình, người thân; tội phạm sẵn sàng ra tay với cả những đứa trẻ vô tội, hay “Lời thề Hippocrate” chỉ là khẩu hiệu phù phiếm khi vẫn còn đó những bác sỹ sẵn sàng phi tang tội ác.
Hãy nghĩ khác, vì văn hóa là một phạm trù không thể mua!
Cũng phải nhìn nhận khách quan, xã hội chúng ta vẫn có rất nhiều gương "người tốt, việc tốt" ở các ngành, các cấp và ở mọi lứa tuổi. Nhiều phong trào "đền ơn, đáp nghĩa" từ nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp tiền của để chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với Cách mạng. Rồi đến phong trào "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam", nhiều tập thể, cá nhân làm việc thiện, ủng hộ giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn.
Chúng ta xúc động, khâm phục, thương tiếc một học sinh cứu bạn bị đuối nước. Gương chiến sỹ công an hy sinh khi truy bắt tội phạm để giữ gìn sự bình an cho nhân dân. Xã hội cũng chia sẻ và ghi nhận sự làm việc của những thầy thuốc ở những bệnh viện quá tải để đem lại sức khỏe và sự sống cho người bệnh. Vẫn có những chị nhặt "ve chai" để kiếm sống, nhưng nhặt được của rơi vẫn tìm trả lại cho người bị mất. Những thầy cô giáo sinh ra và lớn lên ở thành phố đã tình nguyện đi "cắm bản" ở vùng sâu, vùng xa, tất cả vì học sinh thân yêu. Gương người khuyết tật vươn lên làm giàu, mở xưởng sản xuất thu nhận những người có cùng hoàn cảnh vào làm việc để có thu nhập ổn định. Và còn biết bao nhiêu câu chuyện ấm áp, nghĩa tình...
Nhưng có đến 19 triệu hộ gia đình đạt chuẩn "gia đình văn hóa", thì không ai tin được. Đây là điển hình của "căn bệnh" thành tích. Chuẩn đoán đúng bệnh, thì "kê đơn, bốc thuốc" mới đúng. Điều trị mới khỏi bệnh.