Gia đình xã hội

Chế độ chính sách dành cho lao động nữ: Từng bước được chăm lo và cải thiện

08:25, 30/04/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Chiếm 61% tổng số lao động trên địa bàn, công nhân viên chức lao động nữ Nghệ An đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Trong những năm qua, nhờ sự chăm lo, quan tâm của các cấp, ngành, đời sống của lao động nữ trên địa bàn ngày càng được cải thiện và nâng cao. Dù vẫn còn hạn chế nhưng những chế độ, chính sách đã và đang được thực hiện là cơ sở, điều kiện quan trọng để lao động nữ từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình.

Lao động nữ của Công ty Petrolimex trong giờ lao động
Lao động nữ của Công ty Petrolimex trong giờ lao động

Bà Trần Thị Tám gắn bó với Doanh nghiệp tư nhân P.H. đã 8 năm. Mặc dù đồng lương công nhân ít ỏi, chỉ đủ trang trải cuộc sống nhưng bà vẫn mong muốn tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp khi vợ chồng bà thường xuyên xảy ra mâu thuẫn và đi đến quyết định ly hôn. Cuộc sống của bà càng khó khăn hơn khi việc nuôi con ăn học và mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi đó.

Tuy nhiên, cuối năm 2015, bà hoảng hốt khi nhận được quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không có lý do từ phía lãnh đạo Doanh nghiệp tư nhân P.H..

Điều đáng nói là, mặc dù vi phạm Luật Lao động nhưng Doanh nghiệp này không có động thái nào trong việc bồi thường cho những nỗ lực, đóng góp của bà trong suốt thời gian qua.

Bức xúc vì vấn đề trên và lo lắng cho cuộc sống tương lai của 3 mẹ con, bà Tám đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Thế nhưng, mọi nỗ lực đòi quyền lợi hợp pháp của bà đều không mang lại kết quả. Mọi việc càng rơi vào bế tắc khi bà không lưu giữ bất cứ giấy tờ nào liên quan đến quá trình lao động của bản thân, ngoài giấy báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Doanh nghiệp tư nhân P.H..

Trong một lần vô tình đọc được tờ hướng dẫn của Trung tâm Tư vấn pháp luật của Công đoàn tỉnh Nghệ An, bà đã lập tức liên hệ. Dù không hy vọng nhiều nhưng trong thâm tâm, bà vẫn mong đây là cứu cánh duy nhất còn lại sau thời gian dài vất vả ngược xuôi gửi đơn cầu cứu khắp nơi.

Trước đó, bà cũng đã liên hệ với một số văn phòng luật sư để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, mức phí 10 - 15 triệu đồng là quá cao trong điều kiện khó khăn mà gia đình bà đang phải đối mặt.

Suốt 4 tháng ròng rã lần tìm hồ sơ, tài liệu liên quan và những lần thỏa thuận không thành để khởi kiện lên tòa án, chẳng thể kể hết những vất vả mà bà phải trải qua để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Tháng 3/2016, niềm vui vỡ òa khi bà Tám được tòa án bảo vệ lợi ích và được Doanh nghiệp tư nhân P.H. đền bù 20 triệu đồng. Số tiền này với bà là rất quý giá, nhưng điều quan trọng hơn là mong muốn, quyền lợi của bà đã được các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết.

Các ban, ngành, đoàn thể địa phương thăm hỏi gia đình nữ công nhân gặp nhiều khó khăn
Các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền về chế độ dân số - kế hoạch hóa gia đình

Bà Tám là một trong nhiều lao động nữ phải tìm đến sự trợ giúp của pháp luật để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của bản thân. Theo chị Hoàng Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Nghệ An, trung bình mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận khoảng 150 vụ việc liên quan đến quyền lợi của người lao động, trong đó lao động nữ chiếm một nửa; từ những tranh chấp đơn giản đến những vụ việc phức tạp phải khởi kiện ra tòa.

Xử lần 1 rồi lần 2, lần 3 và hầu như quyền lợi của người lao động đều được bảo vệ và các công ty, chủ doanh nghiệp đều phải thực hiện các chính sách mà Luật Lao động đã quy định.

“Đều là lao động nên những yêu cầu, đòi hỏi của lao động nữ hay nam đều giống nhau. Tuy nhiên, lao động nữ nên có thêm một số chính sách ưu tiên mà một số doanh nghiệp thường cố tình bỏ qua. Có trường hợp như Công ty Xuất Nhập khẩu Thủy sản đóng trên địa bàn, vì nhiều nguyên nhân đã đơn phương chấm dứt hợp đồng khiến 100 lao động (chủ yếu là nữ) phải đình công. Sau đó, Trung tâm đã phải hỗ trợ cho các lao động trên nhiều phương diện khác nhau. Trên thực tế, cuộc sống của công nhân vốn đã khó khăn, với lao động nữ, gánh nặng cơm áo gạo tiền càng khiến họ trăn trở, lo lắng khi chủ các doanh nghiệp, công ty giải quyết vấn đề không thấu tình, đạt lý”, chị Hoàng Thị Thu Hương cho biết.

Đã có nhiều năm gắn bó với công tác nữ công, bà Hà Thị Đông, Trưởng ban Nữ công - Công đoàn tỉnh Nghệ An luôn trăn trở với đời sống của nữ công nhân viên chức lao động.

Tại các khu công nghiệp, cuộc sống của các lao động nữ nhìn chung vẫn còn rất khó khăn. Chất lượng cuộc sống nói chung và đời sống tinh thần nói riêng của họ chưa được cải thiện nhiều. Các điều luật, chính sách mới chưa được thông tin và tiếp nhận đầy đủ.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên một phần xuất phát từ phía các công ty, phần khác là do người lao động vẫn chưa có ý thức tìm hiểu, đòi hỏi quyền lợi mà bản thân đáng được hưởng. Đó là chưa kể đến tình trạng, một số công ty tìm cách “lách luật” hoặc hiểu, thực hiện Luật Lao động theo hướng nghiêng về lợi ích của công ty.

Về phía lao động nữ, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều lao động vẫn còn ỷ lại và chưa tìm hiểu, tiếp thu các chính sách, lợi ích của mình. Theo đó, công đoàn phải thực hiện nhiệm vụ là đại diện bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động nói chung, nữ công nhân viên chức lao động nói riêng; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho lao động nữ và tổ chức các phong trào thi đua, khen thưởng kịp thời.

Hiện nay, lao động nữ được hưởng nhiều chế độ riêng như nghỉ thai sản, thời gian nghỉ ngơi trong ngày khi đang cho con bú, có phòng tắm, phòng thay đồ riêng... Thông qua nhiều kênh, nguồn khác nhau, người lao động phải biết và nắm rõ các chế độ để đưa vào quy chế hoạt động của công ty hoặc hợp đồng lao động.

Theo đó, quan trọng nhất là phải giải quyết hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động. Đình công, bãi công chỉ là phương án, lựa chọn cuối cùng của người lao động khi quyền lợi hợp pháp của bản thân không được đảm bảo.

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, công nhân viên chức lao động trên địa bàn Nghệ An nói chung và nữ lao động nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi nhưng với tốc độ chậm, số lượng mặt hàng tồn kho còn nhiều, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản lớn...

Thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp, đơn vị mới chỉ quan tâm thực hiện việc trích nộp chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ thai sản cho người lao động, quy định về khám sức khỏe định kỳ, chế độ chính sách đối với người lao động làm việc trong môi trường độc hại... Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Đơn cử như một số đơn vị vẫn đang nợ bảo hiểm xã hội, các chế độ thai sản, nghỉ dưỡng sức, nghỉ hưu vẫn chưa được thực hiện. Vượt lên những khó khăn đó, lao động nữ vẫn tiếp tục giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nâng cao trình độ chuyên môn; qua đó xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, được các cấp, ngành ghi nhận, biểu dương.

Mai Hậu

Các tin khác