(Congannghean.vn)-Hiện, dịch bệnh do vi rút Zika gây ra ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng lan rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay, nhiều nước tiếp giáp với Việt Nam như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan đã xuất hiện các trường hợp nhiễm vi rút này. Là địa bàn có chung đường biên giới với nước Lào, công tác phòng, chống vi rút Zika được tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2007, trong vòng 13 tuần, vụ dịch do vi rút Zika gây ra đầu tiên xảy ra tại đảo Yap với 185 trường hợp. Tháng 10/2013, tại Pháp, dịch xảy ra với 10.000 ca bệnh, sau đó lây lan ra các đảo khu vực Thái Bình Dương.
Năm 2013, tại một số tỉnh của Thái Lan cũng ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika gây nên. Năm 2015, dịch lan ra một số nước ở khu vực trung và nam Mỹ, đặc biệt là Brazil.
Kiểm tra thân nhiệt khách nhập cảnh ở cửa khẩu nhằm phòng, chống dịch bệnh Zika - Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của ngành Y tế, hiện nay, vi rút Zika đã xuất hiện tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á; trong khi đó, giữa nước ta với các nước đang có dịch lại có sự giao lưu thương mại, du lịch. Người dân không có miễn dịch đối với vi rút Zika; nhiều trường hợp bệnh không có biểu hiện triệu chứng (khoảng 80%), do vậy rất khó phát hiện, chẩn đoán, khống chế dịch.
Trong khi đó, nước ta có loại bệnh sốt xuất huyết cùng loại muỗi Aedes, là loại muỗi truyền vi rút Zika. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu. Được biết, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cũng như các biện pháp phòng bệnh và phương pháp xét nghiệm chẩn đoán nhanh.
Thực hiện Công điện 77 của Bộ Y tế ngày 30/1/2016 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika gây ra; Quyết định 460 của Bộ Y tế ngày 5/2/2016 về việc ban hành kế hoạch hành động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika tại Việt Nam, ngày 9/3, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch 129/KH.UBND.VX về kế hoạch hành động phòng, chống dịch bệnh này trên địa bàn tỉnh; nhằm chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đáp ứng kịp thời các tình huống chống dịch.
Từ đó phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh do vi rút Zika, xử lý kịp thời không để dịch lây lan và hạn chế thấp nhất biến chứng do bệnh gây ra.
Theo kế hoạch được triển khai, hoạt động phòng, chống dịch bệnh được thực hiện theo 4 tình huống. Đó là: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam; xuất hiện ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam nhưng chưa có ca bệnh xâm nhập vào Nghệ An; dịch lan rộng ở Việt Nam và có ca bệnh xâm nhập vào Nghệ An; dịch bùng phát ra cộng đồng.
Các tình huống được đưa ra nhằm huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Zika trên địa bàn; chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp khi có diễn biến tình hình dịch bệnh.
Để triển khai hiệu quả kế hoạch, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người các cấp có trách nhiệm chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Bộ Y tế; đồng thời tổ chức kiểm tra, chỉ đạo giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.
Đặc biệt, trong trường hợp dịch lan rộng (như tình huống thứ tư), Ban chỉ đạo cấp tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành hỗ trợ các đơn vị, cơ sở sản xuất, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân, không để rối loạn ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội.
Sở Y tế là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyến Trung ương và các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, chỉ đạo các đơn vị thuộc thẩm quyền triển khai thực hiện theo các tình huống dịch bệnh.
Theo ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Kế hoạch cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp với Sở Y tế đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch và định hướng dư luận xã hội phù hợp với từng tình huống dịch bệnh; thường xuyên cập nhật thông tin, khuyến cáo phòng, chống dịch phù hợp với các đối tượng có nguy cơ mắc dịch và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.