Gia đình xã hội
28 năm Hải chiến Gạc Ma: Ký ức không phai mờ
(Congannghean.vn)-Có những người vợ, người mẹ gần 30 năm nay vẫn ngóng trông về phía biển, bởi chồng, con họ đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Đến nay, ký ức về những người thân đã ngã xuống để bảo vệ đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa thân thương của Tổ quốc vẫn không thể phai mờ trong tâm trí của họ.
Nỗi đau còn đó
Cho đến nay, ký ức về sự kiện Hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 khiến 64 người con ưu tú của đất nước anh dũng hy sinh vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của nhiều người dân. Nỗi đau ấy không chỉ của riêng những người vợ, người mẹ có người thân hy sinh tại thời điểm trên mà còn là niềm khắc khoải của hàng triệu người dân Việt Nam. 64 liệt sỹ hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, trong đó có 8 người con xứ Nghệ đã mãi mãi không về.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An tặng quà, động viên 8 gia đình thân nhân liệt sỹ trong trận Hải chiến Gạc Ma |
“Vợ chồng chung sống với nhau chưa kịp quen hơi thì anh ấy có lệnh nhập ngũ. Ngày anh ấy biên thư về thông báo có lệnh vào binh chủng Hải quân, rồi ít lâu sau phải theo tàu ra Trường Sa, tôi càng thêm lo lắng. Ngày ấy chỉ nghĩ rằng, chồng mình đi phục vụ tận ngoài đảo xa thì rất khó để cắt phép về thăm nhà chứ không nghĩ phải giáp mặt với quân thù.
Cái ngày định mệnh ấy ập đến khi đứa con trai đầu - giọt máu mà anh ấy để lại chưa kịp gọi tên bố”, chị Trần Thị Ninh trú tại xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu - vợ liệt sỹ Phan Huy Sơn, hy sinh trong trận Hải chiến Gạc Ma tâm sự.
Cũng như gia đình chị Ninh, nỗi đau mất người thân trong trận chiến Gạc Ma còn hiện rõ trên khuôn mặt của người bố, người mẹ già đã ở tuổi gần đất xa trời của liệt sỹ Lê Bá Giang ở khối Văn Trung, phường Hưng Dũng, TP Vinh. Là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh chị em, học hết cấp 3, Lê Bá Giang trúng tuyển vào quân đội rồi được biên chế trong lực lượng Hải quân.
Sau khi huấn luyện tại Quảng Ninh, Giang được về phép thăm nhà; sau đó ít lâu có lệnh vào Cam Ranh, Khánh Hoà để ra phục vụ tại quần đảo Trường Sa. Chỉ ít lâu sau đó, tin dữ đến với gia đình ông Lê Bá Nghị, bà Nguyễn Thị Nhị - bố mẹ của liệt sỹ Lê Bá Giang.
Nỗi đau mất con, vợ mất chồng, con cái mồ côi bố không chỉ của riêng gia đình chị Ninh, ông Nghị, bà Nhị mà còn là nỗi xót xa chung của các gia đình có người thân hy sinh trong trận Hải chiến Gạc Ma.
Đất liền luôn hướng về đảo xa
Cho đến bây giờ, ký ức về những mất mát, đau thương của dân tộc khi phải đổ không ít xương máu để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của mỗi người dân đất Việt.
Ở nơi đảo xa ấy, đất liền vẫn ngày đêm thổn thức hướng về phía biển, hướng về những người con của quê hương đang ngày đêm vững chắc tay súng để canh giữ biển trời của Tổ quốc.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ các gia đình là thân nhân liệt sỹ đã không tiếc máu xương, dũng cảm hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Cùng với cả nước, các cấp, ngành của tỉnh Nghệ An đã tích cực vận động quyên góp, ủng hộ các chiến sỹ đang đóng quân trên các hòn đảo của đất nước. Bằng các việc làm khác nhau, tấm lòng hướng về đảo xa vẫn luôn thường trực trong trái tim của mỗi người dân xứ Nghệ.
Phong trào “Tuổi trẻ Nghệ An với biển, đảo quê hương”, “Góp đá xây Trường Sa”… đã được phát động sâu rộng trong mỗi đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh. Với tấm lòng hướng về biển, đảo quê hương, thời gian qua, Nghệ An cũng đã quyên góp hàng tỉ đồng để ủng hộ các CBCS đang công tác, chiến đấu ngoài khơi xa; giúp các đồng chí vững tay súng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngọc Thái