(Congannghean.vn)-Có những người phụ nữ nhiều năm nay “bặt vô âm tín”, để lại nơi quê nghèo bao nỗi ngóng trông, mong chờ ngày đoàn viên sum họp. Nỗi niềm ấy chưa thể nào nguôi trong mỗi gia đình ở các bản làng vùng cao vào thời điểm Tết đến, Xuân về, khi còn những người con đang mong chờ tin mẹ, người chồng ngóng trông vợ… Bi kịch đau lòng mà nạn mua bán người gây ra vẫn còn nhức nhối nơi miền Tây xứ Nghệ.
Xuân về, trẻ thiếu bóng mẹ
Đến bây giờ, bà Lương Thị Quyết ở xã Đôn Phục, huyện Con Cuông vẫn chưa thể tin việc con gái mình là Lương Thị Nhung (SN 1987) cùng trú tại xã Đôn Phục bị lừa phỉnh, dụ dỗ bán sang Trung Quốc.
Mặc dù kẻ nhẫn tâm lừa bán cả người cùng xã đã bị cơ quan chức năng bắt giữ, tuyên phạt 21 năm tù giam từ năm 2014 nhưng nỗi đau của gia đình bà Quyết vẫn còn đó khi 3 con nhỏ của Nhung đang từng ngày ngóng đợi mẹ trở về. Từ năm 2011 đến nay, Nhung vẫn chưa một lần về thăm nhà. Ngay bản kế bên, anh Vi Văn Dần đã gần 4 năm nay cũng chưa có tin tức gì về người vợ của mình.
Nạn buôn người vẫn đang rình rập, đe dọa phụ nữ, trẻ em vùng cao xứ Nghệ |
Còn tại bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn nằm sát dòng Nậm Mộ, cuộc sống nơi đây vẫn bao trùm một sắc xám vì nhiều năm nay, người Khơ Mú còn khắc khoải nỗi nhớ mong gần 40 người thân (chủ yếu là phụ nữ).
Trong đó có trường hợp người chồng có vợ bị lừa bán sang bên kia biên giới đã ngược xuôi theo dòng Nậm Mộ bao năm nay để tìm kiếm, ngóng trông tin tức. Không ít cháu nhỏ phải sống thiếu hơi ấm của người mẹ suốt nhiều năm, trong cảnh đơn côi, không nơi nương tựa. Cũng có trường hợp đau lòng hơn, khi con chưa cai sữa thì người mẹ đã biệt tích, đến khi con lớn vẫn chưa trở về. Người dân bản Lưu Tiến đến nay vẫn còn nhắc câu chuyện “mồ côi” mẹ của cháu Cụt Văn Anh (SN 2009) đã gần 3 năm nay.
Khi Anh mới đến tuổi bi bô tập nói, tập đi thì mẹ cháu bị kẻ xấu lừa phỉnh và đưa đi đâu không rõ. Cả 2 bên gia đình nội ngoại khắc khoải trông mong, khi từng ngày trôi qua đều không hề có tin tức gì về người mẹ của cháu. Chứng kiến cảnh cháu Anh côi cút bên ông bà nội, người dân ở đây thực sự hoang mang, lo lắng trước những hệ luỵ của thực trạng buôn người…
Những năm gần đây, các cấp, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc nơi miền Tây xứ Nghệ như tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến lâm… giúp người dân ổn định cuộc sống. Thế nhưng, cái khó vẫn đang đeo bám nhiều địa phương, khiến người dân chưa thể bứt phá, vươn lên thoát nghèo.
Vì đói nghèo, họ phải tha phương cầu thực những mong có cái ăn, cái mặc cho bản thân và gia đình. Đàn ông trai tráng thì đi làm ăn xa, phụ nữ, trẻ em ở nhà sống nhờ vào nương rẫy, suốt ngày quanh quẩn bên con suối, bìa rừng. “Hiểu biết còn thiếu, đói khổ còn dài” nên nhiều phụ nữ nơi đây rất dễ rơi vào “bẫy” của các đối tượng mua bán người. Đây cũng là vấn đề “nóng” mà báo chí đã phản ánh rất nhiều trong suốt thời gian qua, với mục đích cảnh tỉnh, ngăn chặn. Vậy nhưng, ở đâu đó, trong mỗi nếp nhà của người Thái, người Mông, Khơ Mú…, vẫn còn cảnh chồng chờ vợ, con thiếu mẹ vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Mòn mỏi ngóng tin con nơi xứ người
Từng nhiều lần đi thực tế tại các bản làng vùng cao xứ Nghệ, tôi có dịp được chứng kiến cảnh không ít gia đình phải sống với nỗi mong đợi, ngóng trông tin tức của con cái ở nơi xứ người. Trong mỗi nếp nhà, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng khóc của trẻ thơ vì những cơn đói sữa. Đó còn là ánh mắt rụt rè của những cô gái trẻ khi có người lạ ghé thăm.
Những ngày xuân, bếp lửa bập bùng như thiếu đi hơi ấm bởi sự vắng bóng của một thành viên trong gia đình. Cảnh tượng ấy mấy năm nay đã trở thành nỗi ám ảnh, đeo bám những gia đình nơi miền Tây xứ Nghệ có con bị lừa bán. Niềm vui trong thời khắc tiễn đưa năm cũ để đón chào xuân mới với gia đình họ có lẽ đến bây giờ vẫn chưa trọn vẹn.
Công an xã Hạnh Dịch đến nhà động viên, chia sẻ cùng gia đình chị Lô Thị Tuyết |
Đã gần 3 năm nay, chị Lô Thị Tuyết (SN 1969) trú tại bản Na Sái, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong không hề nhận được tin tức gì của cô con gái thứ 2 Hà Thị Hường (SN 1995). Được biết, cách đây gần 3 năm, Hường đi lên xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong để trông cháu cho người chú rồi sau đó mất tích luôn. “Con gái của ta đi đến giờ cũng đã qua gần 3 cái Tết rồi.
Thời gian qua, ta chỉ biết con gái mình đã lấy chồng Trung Quốc qua lời kể của một vài người trong bản sống ở bên đó. Giờ Tết đã đến rồi mà nó vẫn chưa về. Nếu ngày đó ta không cho con gái lên vùng đất vàng vui (xã Cắm Muộn - P.V) thì bây giờ mẹ con đã không phải chịu cảnh xa cách”, chị Tuyết buồn bã cho biết. Câu chuyện của chị Tuyết cũng là tình cảnh chung của hàng chục gia đình ở xã Hạnh Dịch có con gái, người thân đang sinh sống nơi xứ người mà chưa có giây phút đoàn tụ.
Theo đồng chí Vi Văn Long, Phó trưởng Công an xã Hạnh Dịch, tình trạng phụ nữ tại địa phương mấy năm gần đây nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu sang Trung Quốc là có thật.
“Nhiều đối tượng từng là nạn nhân của nạn mua bán người sau khi sang đó lấy chồng, sinh con đã quay trở về quê hương, lừa bán chính người thân của mình. Hiện nay, có hàng chục trường hợp như vậy, nhưng vì các đối tượng tự thỏa thuận ngầm với nhau nên công tác đấu tranh, ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn. Ban Công an xã đã tham mưu cấp ủy, chính quyền có nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục người dân để giảm thiểu tình trạng trên”, đồng chí Vi Văn Long cho biết thêm.
Cũng trong thời gian qua, Công an tỉnh Nghệ An đã xác lập nhiều chuyên án nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán người, trong đó có tình trạng đưa phụ nữ ra nước ngoài trái phép. Hàng chục đối tượng đã được đưa ra xử lý nghiêm trước pháp luật. Đã có không ít trường hợp được giải cứu thành công, trở về đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, tình trạng mua bán người vẫn chưa hết “nóng” trong thời gian qua.
Đến nay, chưa thể đưa ra con số thống kê chính xác về số nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em bị dụ dỗ đưa sang Trung Quốc trái phép, nhưng theo tính toán sơ bộ cũng có tới hàng trăm người. Đau lòng hơn, có những trường hợp bị bán sang xứ người làm nô lệ tình dục, bị hành hạ, tra tấn mà người thân dù biết cũng không thể giải cứu.
Ngày xuân, nỗi buồn chẳng muốn nói thêm nhưng những câu chuyện, hệ lụy của nạn mua bán người vẫn còn đó, hiện hữu trong mỗi nếp nhà vùng cao nơi miền Tây xứ Nghệ. Ở đó, họ phải lặng lẽ chôn sâu nỗi buồn đau và sống với niềm hy vọng, mong ngóng những đứa con xa xứ sớm trở về đoàn viên cùng gia đình.
Và câu chuyện nhiều nạn nhân bị mắc “bẫy” của các đối tượng mua bán người vào dịp đầu năm, khi chúng lợi dụng tâm lý sốt sắng tìm kiếm việc làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của người dân để hoạt động là điều mà các cấp, ngành chức năng cũng như nhiều gia đình cần quan tâm, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn.