Gia đình xã hội

Thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội

14:50, 20/11/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Hiện nay, khái niệm bình đẳng giới đã không còn quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là tại các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp. Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, vị thế và vai trò của phụ nữ ngày càng được cải thiện và nâng lên. Thực tế đã chứng minh, trao quyền cho phụ nữ sẽ giúp các đơn vị xây dựng môi trường làm việc công bằng, khuyến khích sự cống hiến của người lao động, đặc biệt là cán bộ nữ và giảm tỉ lệ luân chuyển nhân viên.

Trong những năm qua, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chiến lược về bình đẳng giới. Một trong những mục tiêu quan trọng được đưa ra là: “Phấn đấu đạt tỉ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016 - 2020 từ 25% trở lên; tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên 35%”.

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ ở các địa phương, các sở, ngành đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thông qua công tác truyền thông, các đơn vị đã nhận thấy rõ vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện để phụ nữ được phát triển về mọi mặt, phát huy năng lực lãnh đạo ở các vị trí công tác. Từ đó, khắc phục những hạn chế, cản trở trên con đường khẳng định năng lực của các cán bộ nữ.

Vai trò của phụ nữ được chứng minh trên nhiều lĩnh vực (Ảnh trong bài: Nữ CSGT tham gia dẫn đoàn tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII)
Vai trò của phụ nữ được chứng minh trên nhiều lĩnh vực (Ảnh trong bài: Nữ CSGT tham gia dẫn đoàn tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII)

Trong năm 2015 - 2016 diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021, việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị được đặc biệt quan tâm, nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết 11 NQ/TW và Luật Bình đẳng giới đã đề ra.

Hiện nay, tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII nhiệm kỳ 2011 - 2016 của tỉnh Nghệ An có 3/13 đồng chí, tăng 3,07% so với nhiệm kỳ trước. Tỉ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 cũng đã đạt được một số kết quả nhất định, trong đó, riêng cấp tỉnh đạt 17,65%/30% kế hoạch nhiệm kỳ. Tỉ lệ nữ là lãnh đạo chủ chốt ở các sở, ban, ngành và UBND tỉnh đạt 40,9%/80% kế hoạch. Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng phụ nữ tham gia các chức danh lãnh đạo cũng có sự chuyển biến cả về trình độ và năng lực quản lý. Rất nhiều phụ nữ đã trở thành các nhà lãnh đạo, quản lý, nắm giữ những vị trí chủ chốt tại các cơ quan, đơn vị công tác.

Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được, do hạn chế về nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nên vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa tỉ lệ nam và nữ, đặc biệt là tỉ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo. Đây cũng là vấn đề mà các cấp cần quan tâm thúc đẩy để đạt hiệu quả thiết thực hơn.

Ngoài lĩnh vực chính trị, bình đẳng giới trong kinh tế - việc làm cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân, đặc biệt là lao động nữ. Theo quy định trong Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012, doanh nghiệp phải đối xử công bằng với tất cả lao động nam và nữ tại nơi làm việc, thông qua việc trả công bình đẳng, bao gồm cả các chế độ phụ cấp, đối với các công việc có giá trị ngang nhau cho cả nam và nữ.

Để đạt các chỉ tiêu đề ra về bình đẳng giới trong kinh tế - việc làm, trong những năm qua, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, tổ chức xây dựng và thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân hỗ trợ đầu tư các dự án phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật cho người lao động, nhất là lao động nữ ở nông thôn; tăng cường các hoạt động xúc tiến việc làm, giới thiệu việc làm qua đào tạo cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, nhất là nữ vùng dân tộc thiểu số, hộ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 35.700 lao động, trong đó lao động nữ đạt 75.490 người (giai đoạn 2010 - 2015). Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 25% doanh nghiệp do nữ làm chủ, hoạt động chủ yếu ở các ngành nghề có tính đặc thù như may mặc, chăn nuôi, thương mại, dịch vụ...

Thông qua các chương trình phát triển kinh tế, tổng số lao động nữ được đào tạo nghề đạt 68.866 người. Tỉ lệ nữ ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt khoảng 104% kế hoạch đề ra.

Bình đẳng giới là chương trình xuyên suốt, không thể đạt được kết quả hoàn thiện trong thời gian ngắn. Nhất là ở một nước Á Đông như Việt Nam, đòi hỏi người phụ nữ vừa phải giỏi việc nước vừa đảm việc nhà, “công dung ngôn hạnh”. Vì vậy, càng đòi hỏi người phụ nữ phải không ngừng phấn đấu.

Thực tế cho thấy, việc coi trọng và tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, thể hiện năng lực không chỉ góp phần thực hiện các mục tiêu trong chương trình bình đẳng giới mà còn là cơ sở, động lực để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, phát triển.

Công an tỉnh Nghệ An thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ nữ phát triển; nhiều cán bộ nữ đã được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo cấp phòng, đội. Năm 2015, đã có 69 nữ cán bộ giữ chức vụ chỉ huy các cấp, 2 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Công an tỉnh, 15 đồng chí tham gia cấp ủy Đảng cơ sở và 32 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Chi bộ trực thuộc. Có 41 đồng chí được đưa vào diện quy hoạch lãnh đạo cấp phòng, cấp huyện; 96 đồng chí được đưa vào diện quy hoạch lãnh đạo cấp đội, phường.

 

Mai Hậu

Các tin khác