Gia đình xã hội

Giúp người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

09:43, 17/11/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những người đã từng vi phạm pháp luật, sau khi chấp hành xong án phạt trở về tái hòa nhập cộng đồng thường có tâm lý tự ti, sống khép kín, bởi họ mặc cảm với quá khứ của mình. Điều này là bước cản khiến cho lối về nẻo thiện của họ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, việc thành lập những mô hình giúp đỡ người lầm lỗi nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng ở một số địa phương trên địa bàn đang ngày càng phát huy hiệu quả.

Thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ về “Quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù”, ở Nghệ An những năm qua, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể, đã xây dựng được hàng trăm mô hình lớn, nhỏ để kịp thời giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cùng lãnh đạo Trại giam số 6 tặng quà cho phạm nhân cải tạo tốt
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cùng lãnh đạo Trại giam số 6 tặng quà cho phạm nhân cải tạo tốt

Mô hình “Chung tay giúp đỡ người lầm lỗi” do UBND phường Nghi Thu, TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An thành lập, có 16 thành viên là cán bộ UBND phường và trưởng các ban, ngành, đoàn thể. Nhiệm vụ chính của các thành viên là tìm hiểu, gặp gỡ động viên và giúp đỡ những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.

Sau gần 3 năm thành lập, mô hình đã phát huy hiệu quả, 28 người tái hòa nhập cộng đồng trong phường đã được hỗ trợ việc làm, có thu nhập ổn định. Có sức lan tỏa mạnh mẽ và giữ vai trò vô cùng to lớn trong hành trình phục thiện của người lầm lỗi, không thể không nhắc đến mô hình “Xóa bỏ mặc cảm, làm nở nụ cười, giúp người lầm lỗi” do UBND TX Thái Hòa thành lập.

Ban chỉ đạo gồm 15 thành viên, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã làm Trưởng ban, đã phân công trách nhiệm cho các thành viên trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền các phường xã, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng.

Sau một thời gian triển khai, mô hình đã đạt được những kết quả nhất định, tạo điều kiện giúp đỡ 342 người trong tổng số 427 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có việc làm ổn định. Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức, cá nhân đã tạo điều kiện cho 60 trường hợp vay vốn để sản xuất, kinh doanh với số tiền 650 triệu đồng; Nông trường Tây Hiếu I (TX Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) đã giao đất, giao rừng cho 12 người chấp hành xong án phạt tù để trồng rừng, phát triển kinh tế.

Cũng nhờ làm tốt công tác giúp người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng nên tỉ lệ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương cư trú có các hành vi vi phạm pháp luật giảm hẳn. Chỉ tính từ tháng 6/2013 trở lại đây, tỉ lệ này đã giảm hơn 50% so với thời gian trước đó.

Ngoài ra, còn nhiều tổ chức, cá nhân và mô hình khác đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng như: UBND, HTX nông nghiệp xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên đứng ra bảo lãnh cho những người chấp hành xong án phạt tù vay 380 triệu đồng phát triển kinh tế, hướng dẫn chăn nuôi, làm kinh tế trang trại, tạo điều kiện về giống sản xuất; Hội Phụ nữ, Ngân hàng Chính sách thị trấn Con Cuông tạo điều kiện cho những người chấp hành xong án phạt tù vay hàng trăm triệu đồng và giao đất giao rừng phát triển kinh tế đồi, rừng.

Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể xã hội, nhiều người có quá khứ phạm tội, sau khi được tha tù về địa phương đã nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nhiều trường hợp bằng bàn tay, khối óc và sức lao động của mình đã vươn lên làm giàu chính đáng.

Điển hình là trường hợp của ông Nguyễn Đình Khang (SN 1965) trú tại phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Sau hơn 3 năm thụ án tại Trại giam số 6, năm 1997, ông chấp hành xong án phạt và trở về địa phương. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ, động viên kịp thời của các ban, ngành, đoàn thể, ông đã gây dựng nên doanh nghiệp Long Vân chuyên sản xuất vôi sơn chất lượng cao, bình quân trên 1.000 tấn/năm, cung cấp cho hơn 100 đại lý từ Quảng Bình ra Ninh Bình.

Hiện, cơ sở sản xuất của vợ chồng ông tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, trong đó có 2 người từng bị án phạt tù hoặc có quá khứ lầm lỗi với mức lương từ 3,5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/tháng.

Phương Thủy

Các tin khác