Gia đình xã hội

Gần 200.000 cử nhân thất nghiệp sẽ đi về đâu?

15:07, 07/11/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Tỷ lệ thất nghiệp chung đã giảm, tuy nhiên số lượng người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng với khoảng 199,4 nghìn người, chiếm 17,4% số người thất nghiệp, tăng khoảng 22 nghìn người so với quý trước đó.

Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý II năm 2015 do Viện Khoa học Lao động Xã hội vừa công bố, tỷ lệ thất nghiệp chung đã giảm, tuy nhiên số lượng người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng với khoảng 199,4 nghìn người, chiếm 17,4% số người thất nghiệp, tăng khoảng 22 nghìn người so với quý trước đó.

Việc gia tăng tình trạng cử nhân thất nghiệp cho thấy, đây chính là hệ quả tất yếu của việc đào tạo không gắn liền với nhu cầu thị trường lao động, cùng với đó là những bất cập trong công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh ngay từ bậc phổ thông.

Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi năm thị trường lao động Việt Nam chỉ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 20 nghìn người có trình độ đại học trở lên trong khi các trường đại học cho "ra lò" khoảng 400 nghìn người, dẫn đến việc cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, làm trái nghề, làm lao động chân tay là khó tránh khỏi. Hiện tỷ lệ cử nhân của nước ta là rất cao (khoảng 250 sinh viên/1 vạn dân), vượt mức trung bình của thế giới, nhưng chất lượng đào tạo lại thấp.

Phần lớn sinh viên đã tốt nghiệp còn yếu về chuyên môn, thiếu năng lực thực tiễn và khả năng thích ứng trong môi trường cạnh tranh. Bên cạnh đó, kinh tế khủng hoảng, các doanh nghiệp phá sản hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh dẫn đến dư thừa lao động thì sự gia tăng quá nhanh các trường đại học và các ngành học không theo quy hoạch, đào tạo tràn lan, chất lượng thấp, không gắn với sử dụng nhân lực đã dẫn đến hậu quả nặng nề là tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường ngày một tăng cao.

Phân tích cụ thể hơn về con số cử nhân thất nghiệp của quý II năm 2015, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật (chứng chỉ sơ cấp trở lên) có 10,7 triệu người, chiếm hơn 20% lực lượng lao động.

Cần tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên lựa chọn ngành nghề thích hợp.
Cần tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên lựa chọn ngành nghề thích hợp.

Trong đó, riêng trình độ đại học trở lên có 4,47 triệu người. Điều này cho thấy, nước ta đang mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo nghề và giáo dục đại học, người có bằng đại học dư thừa, nhưng lao động tay nghề lại thiếu. Năm học vừa qua, thí sinh 12 điểm vẫn có thể đỗ vào đại học, sau này, những người đó chỉ có bằng đại học chứ không phải người có trình độ đại học.

Cũng theo bà Hương, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học tiếp tục tăng cao vài năm gần đây cho thấy không chỉ là vấn đề cung - cầu lao động lệch nhau mà quan trọng hơn là đào tạo nhân lực chưa gắn với nhu cầu xã hội, nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân từ tâm lý xã hội coi trọng, đề cao bằng cấp hoặc tập trung vào một số ngành nghề nhất định mà chưa chú ý tới năng lực người học, nhu cầu thị trường và chất lượng đào tạo.

Có một nghịch lý là trong khi con số cử nhân thất nghiệp lên tới gần vài chục nghìn mỗi năm thì có tới 75% đến 90% số học viên tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng nghề có việc làm ngay. Thậm chí, nhiều trường dạy nghề không đáp ứng đủ nhân lực theo đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp. Đây chính là hệ quả tất yếu của việc bỏ qua nhiệm vụ phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh ngay từ bậc phổ thông.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: Chúng ta đang sống trong một xã hội hiếu học lạc hậu bởi ai cũng muốn vào đại học dù số đông sinh viên ra trường không có việc làm. Tệ hại hơn nữa là bậc trung cấp thiếu người học, nghề thiếu người học mặc dù những hệ đào tạo này học xong có thể có việc làm ngay.

“Dường như, mục đích của giáo dục hiện nay chủ yếu là học sinh học xong tiểu học, lên trung học cơ sở, tiếp theo là trung học phổ thông và cuối cùng là vào đại học. Đây là nền giáo dục ứng thí, phục vụ toàn dân lên lớp, toàn dân học đại học mà không đảm bảo điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều này sẽ gây ra những hậu quả về nguồn lực lao động khi chúng ta hội nhập ASEAN và TTP. Khi đó, chúng ta có thể thất bại vì phải nhập thợ chất lượng cao của nước ngoài, còn thợ của Việt Nam chỉ có thể làm thuê ở những ngành nghề đơn giản”- thầy Cương đặt vấn đề.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh: Mỗi quốc gia có đặc điểm kinh tế, xã hội khác nhau, nếu không xác định được nền giáo dục của nước mình đi theo luồng nào thì lại học tập theo kiểu chắp vá sẽ không đạt hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, việc phân luồng rất quan trọng vì nó giúp học sinh sớm định hướng được tương lai, nghề nghiệp chứ không phải cứ học mãi một con đường lên đại học rồi thất nghiệp như những năm qua.

Nguồn: Cand.com.vn

Các tin khác