Gia đình xã hội

Kỷ niệm 85 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2015)

Tự hào và tri ân

08:45, 12/09/2015 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Cách đây 85 năm đã diễn ra phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh, đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 ở huyện Hưng Nguyên. 85 năm đã trôi qua nhưng những ký ức, bài học kinh nghiệm và ý nghĩa của phong trào vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Các thế hệ trẻ Nghệ An hôm nay nói chung và trên quê hương Xô Viết anh hùng nói riêng luôn tự hào và biết ơn các thế hệ cha ông đã làm nên dấu mốc vĩ đại này. Những giá trị của nó đã góp phần vào sức mạnh bền vững của dân tộc nói chung, quê hương Nghệ Tĩnh nói riêng. 

Chúng tôi trở về đền Xuân Hòa, xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên trong những ngày tháng 9 lịch sử. Tại ngôi đền có lịch sử hơn 300 tuổi này, dòng người nối tiếp nhau, thăm lại những chứng tích lịch sử từng gắn bó với phong trào cách mạng sôi nổi cách đây 85 năm. Căn cứ vào các nguồn tư liệu và lời kể của các cụ cao niên, đền Xuân Hòa được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng. Đến đầu thời Nguyễn, đền được tu sửa và xây dựng thêm 2 tòa Trung điện, Thượng điện. Năm 1917, đền tiếp tục được tu sửa.

Bà Nguyễn Thị Hường lau bia dẫn tích tại đền Xuân Hòa, di tích gắn liền                     với sự kiện ngày 12/9/1930
Bà Nguyễn Thị Hường lau bia dẫn tích tại đền Xuân Hòa, di tích gắn liền với sự kiện ngày 12/9/1930

Mảnh đất này đã từng chứng kiến tinh thần đoàn kết dân tộc, đấu tranh giành lại độc lập, tự do. Nơi đây là cơ sở hoạt động cách mạng, cũng là nơi gặp gỡ, hội họp, in ấn tài liệu của các chiến sỹ cách mạng trong những năm 1930 - 1931, tập trung quần chúng nhân dân tổ chức mít tinh, biểu tình, treo cờ búa liềm của Đảng trên cây trôi, phát hiệu lệnh đấu tranh của toàn phủ Hưng Nguyên vào ngày 12/9/1930. Từ đây, từng đoàn người đi qua mọi ngả đường, kêu gọi thêm nhiều người tham gia vào phong trào đòi bọn tay sai và đế quốc Pháp giảm sưu thuế, chống bóc lột, đàn áp nhân dân.

Ngày trước, đoàn biểu tình đi theo bờ ruộng đắp quanh co thành đường, nối từ Tổng Phù Long ra tới xã Thái Lão để lên giáp đường 49 qua phủ lỵ Hưng Nguyên rồi xuống TP Vinh. Theo bà Nguyễn Thị Hường trú tại xóm 11, xã Hưng Long, người phụ trách trông coi, bảo vệ đền Xuân Hòa, xã Hưng Long, từ sau khi được khôi phục và tu bổ, hàng năm, có rất nhiều người đến tham quan, thể hiện sự tri ân với những người đã ngã xuống. Không chỉ là một di tích lịch sử, đền Xuân Hòa còn trở thành một điểm tựa tâm linh của người dân trong vùng.

Sử sách ghi lại, từ đền Xuân Hòa, dòng người tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên ngày càng đông. Sáng 12/9/1930, dưới sự lãnh đạo của Phủ uỷ, khoảng 8.000 nông dân thuộc ba tổng: Phù Long, Thông Lãng (Hưng Nguyên) và Nam Kim (Nam Đàn), với hàng ngũ chỉnh tề, gậy gộc, giáo mác, dây thừng, giương cờ đỏ búa liềm kéo về ga Yên Xuân. Khi đoàn biểu tình đang trên đường xuống phủ lỵ Hưng Nguyên thì bị máy bay của đế quốc Pháp ném bom, làm 217 người chết và hàng trăm người bị thương. Cuộc đấu tranh ngày 12/9 đã làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế...

Đầu xuân năm 1956, Đảng, Nhà nước chỉ thị cho Tỉnh ủy Nghệ An và Ty Văn hóa tỉnh sắp xếp xây cất mồ mả cho các liệt sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh từ Nghĩa trang liệt sĩ Thái Lão tới nơi sạch sẽ, trang nghiêm. Từ năm 1956 - 1960, Nghĩa trang liệt sĩ Thái Lão tọa lạc trên địa bàn khối 15, thị trấn Hưng Nguyên. Ngày 9/12/1961, trong dịp về thăm quê lần thứ 2, Bác đã vào dâng hương tại Nghĩa trang. Năm 1988, Bộ Văn hóa có quyết định công nhận Đài liệt sĩ Thái Lão là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 2010, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, tiến hành xây dựng, tôn tạo đài tưởng niệm thành Khu di tích bảo tồn và phát huy di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Ông Lê Thanh Hưng, Giám đốc Trung tâm Thông tin văn hóa - Thể thao huyện Hưng Nguyên cho biết, có 1 tổ gồm 5 cán bộ phụ trách việc hướng dẫn, thuyết minh cho các đoàn khách quốc tế và trong nước về hào khí sôi nổi của nhân dân Hưng Nguyên, Nghệ An trong sự kiện ngày 12/9 cách đây 85 năm. Những ngày này, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng đại diện các đơn vị, đoàn thể thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, thể hiện sự tri ân với các thế hệ cha ông đi trước.

Mai Hậu

Các tin khác