Gia đình xã hội
Đổi thay trên quê hương Xô Viết
(Congannghean.vn)-85 năm đã trôi qua nhưng cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 vẫn còn mang đậm ý nghĩa lịch sử. Tinh thần chiến đấu quật cường của nhân dân Nghệ Tĩnh đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, khí phách của con người xứ Nghệ. Phát huy truyền thống cách mạng trên quê hương Xô Viết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đang nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp, đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực Bắc Trung Bộ. Mảnh đất đau thương năm ấy giờ đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước.
Trong ánh nắng vàng những ngày thu lịch sử, chúng tôi về thăm những vùng quê cách mạng, nơi diễn ra cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm nay, Nghệ An long trọng kỷ niệm 85 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Học sinh trường THPT Thái Lão (Hưng Nguyên) tham quan triển lãm cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh |
Từ Bến Thủy, TP Vinh, chúng tôi đến thăm làng Đỏ anh hùng. Chỉ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Chi bộ xã Yên Dũng Thượng đã ra đời. Lần lượt sau đó, các tổ chức quần chúng Nông hội đỏ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Đội Xích vệ lần lượt được thành lập, dẫn dắt phong trào đấu tranh của toàn xã ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cuộc biểu tình sáng 1/5/1930 là sự kiện mở đầu cho cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nơi đây được Xứ ủy Trung Kỳ chọn làm căn cứ chỉ đạo các phong trào đấu tranh cách mạng. Từ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đến 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, người dân làng Đỏ đã anh dũng chiến đấu, che chở, nuôi giấu cán bộ. Đã có gần 270 người hy sinh, 5 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Phát huy truyền thống làng Đỏ anh hùng, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Hưng Dũng đã nỗ lực xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Rời TP Vinh, chúng tôi về thăm các huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương. Ngày nay, tại các địa phương này, cơ cấu kinh tế đang từng bước chuyển dịch. Người dân xã Võ Liệt (Thanh Chương) ngày ấy anh dũng đứng lên, nay cũng đi đầu trong xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, xã đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Tại huyện Hưng Nguyên, trên công trường, dự án Khu công nghiệp VSIP đang khẩn trương chuẩn bị cho lễ động thổ vào ngày 16/9 sắp tới. Những ngày này, dòng người đổ về Khu tưởng niệm liệt sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày càng đông. Dự án bảo tồn và phát huy giá trị Xô Viết Nghệ Tĩnh được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 320 tỉ đồng đang gấp rút hoàn thành.
Với việc xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, nền kinh tế nông nghiệp của Hưng Nguyên đạt được nhiều kết quả tích cực |
Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh sẽ được đặt tại đây, nơi đã diễn ra sự kiện lịch sử 12/9/1930. Đây là công trình văn hóa thể hiện sự tri ân với những người con Xô Viết đã ngã xuống, đồng thời thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Những năm qua, địa phương đã phát huy các tiềm năng và lợi thế, đưa nền kinh tế ngày càng phát triển. Đến nay, huyện Hưng Nguyên có 2 xã về đích nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm nay, toàn huyện có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015), là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2015 tăng 9,03% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 11,86%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,21% so với cùng kỳ. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp và chỉ đạo, điều hành hợp lý, tình hình thu ngân sách 8 tháng đầu năm là 5.503,04 tỉ đồng, đạt 67,2% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Hoạt động xúc tiến, thu hút nguồn vốn đầu tư được chú trọng.
Quan hệ giữa Nghệ An với các doanh nghiệp, các ngành Trung ương và các tỉnh bạn được tăng cường, nhằm tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Một số dự án lớn đã và đang được khởi động, từng bước thay đổi diện mạo của tỉnh. Trong đó phải kể đến dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An. Giai đoạn 1 của dự án với diện tích 198 ha đất công nghiệp, 81 ha đất thương mại và nhà ở, tổng vốn đầu tư 76.400.000 USD. Các ngành công nghiệp thu hút vào VSIP Nghệ An bao gồm công nghiệp nhẹ, lắp ráp điện tử, công nghiệp ôtô, vật liệu xây dựng, sản xuất, chế biến và phân phối nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG)… Những con số trên đã minh chứng cho sự phát triển của tỉnh nhà.
Phát huy truyền thống cách mạng trên quê hương Xô Viết anh hùng, Nghệ An đang từng bước phấn đấu trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020 theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, xây dựng Nghệ An thành tỉnh khá ở miền Bắc như mong muốn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Huyền Thương