Gia đình xã hội
Bắt 'đất chết' phải sinh lợi
(Congannghean.vn)-Từ hai bàn tay trắng, chị Nguyễn Thị Cầu đã cùng chồng không ngừng nỗ lực, chịu khó cải tạo vùng đất trũng bỏ hoang để phát triển chăn nuôi trang trại, vươn lên làm giàu. Đến nay, trang trại của gia đình chị Cầu ở xóm Phú An, xã Tây Hiếu, TX Thái Hòa đã trở thành “địa chỉ vàng” để người dân nhiều nơi tìm đến học tập. Chị trở thành tấm gương điển hình trong phong trào “Thi đua yêu nước” của địa phương.
Chị Nguyễn Thị Cầu sinh năm 1966, tại xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương. Đến năm 1985, chị rời địa phương đi làm công nhân cho Liên đoàn Địa chất đóng tại Phủ Quỳ. Năm 1991, chị cùng chồng làm việc tại Nông trường Quốc doanh Tây Hiếu I.
Thời kỳ ấy, đất nước còn khó khăn nên cuộc sống công nhân cũng phải chịu nhiều vất vả, eo hẹp về kinh tế. Lấy nhau trong cảnh nghèo khó, vợ chồng chị được tạo điều kiện về dựng nhà sinh sống tại mảnh đất xóm Phú An bây giờ. Thấy cảnh đất trũng hoang hóa không ai canh tác, vợ chồng chị đã bàn nhau nhận diện tích trên để khai hoang, phát triển kinh tế. Giai đoạn đầu, anh chị gặp rất nhiều khó khăn nhưng chưa lúc nào từ bỏ ý định cải tạo vùng đất này để từng bước thoát nghèo, lo cho con cái ăn học.
Đang lúng túng với phương thức tìm hướng phát triển kinh tế mới thì cuối những năm 2000, địa phương nơi chị sinh sống mở lớp học về chăn nuôi thú y trong thời gian 3 tháng cho hội viên nông dân. Sau khi đăng ký tham gia khóa học, chị Cầu có thêm nhiều kiến thức để chăn nuôi theo hướng trang trại.
Chị Nguyễn Thị Cầu đang chăm sóc đàn lợn thịt |
Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, lấy bã rượu cho lợn ăn, năm 2006, gia đình chị mạnh dạn vay vốn 15 triệu đồng của ngân hàng để phát triển đàn lợn. Sau một năm chăn nuôi lợn, gia đình chị đã trả được số tiền vay vốn. Thấy mô hình của chị Cầu mang lại hiệu quả rõ rệt, năm 2007, Ngân hàng Nông nghiệp đã cho chị vay thêm tiền để mở rộng trang trại. Có tiền, chị tiếp tục đầu tư và tự mày mò, tìm hiểu quy trình nuôi lợn giống, lợn thịt và đào ao thả cá.
Đất không phụ sự quyết tâm, chịu khó của con người. Bước đầu, nhờ chăn nuôi, nguồn thu nhập của gia đình chị được cải thiện đáng kể. Mô hình trang trại vườn - ao - chuồng của chị mỗi năm cung cấp cho thị trường 60 - 65 tấn lợn thịt, 5 - 6 tấn cá các loại, chưa kể gà, vịt…, mang về cho gia đình chị từ 500 - 550 triệu đồng tiền lãi vòng. Ngoài ra, trang trại của chị cũng tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 lao động chính và 7 - 8 lao động thời vụ tại địa phương.
Với cách làm hiệu quả, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, chị Nguyễn Thị Cầu vinh dự được giới thiệu là gương điển hình báo cáo kinh nghiệm tại Đại hội “Thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015” của UBND tỉnh Nghệ An. Chị cũng là gương sáng “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong phong trào thi đua lao động, sản xuất tại địa phương.
Ngọc Sơn