(Congannghean.vn)-Để ngày trở về với gia đình và xã hội của hơn 200 phạm nhân đang thụ án tại Trại giam số 3 được đề nghị đặc xá dịp Quốc khánh 2/9 năm nay không bỡ ngỡ, Ban giám thị đang nỗ lực hết mình trong việc trang bị kiến thức về pháp luật, vốn sống cho các phạm nhân, đồng thời liên hệ với các địa phương và doanh nghiệp, cơ sở việc làm để giới thiệu cho phạm nhân những ngành nghề phù hợp, để họ được đón nhận ngay sau khi rời cánh cổng trại giam, trở về với xã hội.
Trên 200 phạm nhân được đặc xá
Trung tá Phạm Mạnh Khuê, Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ, Trại giam số 3 (Tổng cục VIII - Bộ Công an), đóng tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ cho biết: Ngay sau khi nhận được các tài liệu về công tác đặc xá năm 2015, ngày 20/7, đơn vị đã xây dựng Kế hoạch số 20, thành lập Hội đồng xét đề nghị của đơn vị. Sau khi thông báo rộng rãi các quy định, điều kiện đặc xá đến tận từng phạm nhân, Ban giám thị đã phổ biến Hướng dẫn số 91 của Hội đồng tư vấn đặc xá, đồng thời tiến hành nghiên cứu, thảo luận để chọn ra những phạm nhân đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu và xuất sắc nhất trong quá trình thụ án để đưa vào danh sách xét đề nghị đặc xá. Kết quả, đã có 208 trong tổng số 2.362 phạm nhân (tính đến thời điểm xét đề nghị) đang thụ án tại Trại giam số 3 có đủ điều kiện được đề nghị đặc xá.
Lớp học tái hòa nhập cộng đồng trang bị kiến thức cơ bản cho phạm nhân trước ngày đặc xá |
Để ngày về của các phạm nhân này không bỡ ngỡ, ngay từ khi có kế hoạch đặc xá, Ban giám thị Trại giam số 3 đã có kế hoạch giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để các phạm nhân được trở về tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, trong thời gian này, lớp học tái hòa nhập tập trung cho 208 phạm nhân được đề nghị đặc xá đang được đơn vị tổ chức, các bài giảng về chương trình giáo dục công dân, một số bộ luật như Luật Giao thông đường bộ, Luật Cư trú, Luật Hình sự… được phổ biến một cách khái quát nhất, để phạm nhân nắm được các kiến thức cơ bản trước khi về với xã hội.
Ngoài ra, để phạm nhân đã hết thời hạn chấp hành án trở về xã hội đảm bảo không bị kỳ thị, xa lánh và tái phạm hành vi phạm pháp, dịp này, Trại giam số 3 cũng đang phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh Nghệ An và một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất các ngành nghề, mở 2 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ nghề điện dân dụng, điện công nghiệp cho các phạm nhân. Thực tế, từ sau khi có sự ký kết phối hợp giữa Trại giam số 3 với Hội LHTN tỉnh Nghệ An, hàng năm, hai đơn vị đã có rất nhiều việc làm thiết thực để giúp đỡ, tạo điều kiện cho phạm nhân trong độ tuổi vị thành niên tái hòa nhập cộng đồng. Đến nay, thông qua quy chế phối hợp, hai đơn vị đã giúp đỡ trên 200 thanh, thiếu niên trong độ tuổi này có cuộc sống ổn định ngay sau khi ra tù.
Mong chờ ngày trở về
Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị Trại giam số 3, Chủ tịch Hội đồng xét đề nghị đặc xá của đơn vị cho biết: “Đặc xá là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội. Không chỉ đảm bảo công tâm trong quá trình xét đặc xá, đơn vị còn có trách nhiệm giúp phạm nhân hiểu được ý nghĩa nhân văn của chủ trương này, để từ đó họ nhận ra được giá trị thực của cuộc sống, cũng như thấy được sự khoan hồng của pháp luật đối với lầm lỗi mà mình đã gây ra trong quá khứ. Nhờ vậy, họ tích cực hơn trong tái hòa nhập cộng đồng, từ bỏ quá khứ, vươn lên trở thành người có ích cho xã hội”.
Phạm nhân Trần Đình Đức Anh (SN 1983) trú tại huyện Hưng Nguyên, một trong những phạm nhân được đề nghị đặc xá lần này xúc động cho biết: “Biết mình có tên trong danh sách đề nghị đặc xá, tôi vui mừng đến rơi nước mắt, bởi ước mơ được trở về với gia đình bấy lâu nay giờ sắp trở thành hiện thực”. Niềm vui của Anh cũng chính là tâm trạng của hơn 200 phạm nhân khác, trong đó có ông Trịnh Hữu Doan (SN 1952), quê ở Yên Định (Thanh Hóa).
Phạm nhân Trịnh Hữu Doan cho biết: Những ngày tháng trong Trại giam, được sự quan tâm, động viên của cán bộ và Ban giám thị, ông đã hiểu ra giá trị của sự tự do. Biết mình có tên trong danh sách đặc xá, ông rất vui mừng vì được trở về với gia đình sau hơn 20 năm xa cách.