Gia đình xã hội
Người làm báo ở làng Phong
14:43, 23/06/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Dù không được học hành đến nơi đến chốn nhưng với tài năng, niềm đam mê và ham học hỏi, ông Phạm Đình Tiến (65 tuổi) ở làng phong xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu đã kêu gọi cộng đồng hãy hiểu và chia sẻ với những bệnh nhân phong thông qua những bài báo cảm động.
Vượt qua quãng đường dài, giữa cái nắng hè oi bức, chúng tôi tìm đến ngôi làng phong ở xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu. Ngôi làng này gần như cách ly với thế giới bên ngoài, nằm ngay bờ biển. Vừa vào tới đầu làng, dừng chân hỏi thăm gia đình ông Phạm Đình Tiến, người có tài viết báo, làm thơ, từ trẻ nhỏ cho đến người già, ai ai cũng đều biết. Ở đây, người ta đặt cho ông biệt danh là “nhà báo trại Phong”.
“Nhà báo làng Phong” Phạm Đình Tiến |
Ông sinh ra và lớn lên ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông Tiến đã được bạn bè biết đến với tài cầm, kỳ, thi, họa. Tương lai đang rộng mở thì năm 14 tuổi, ông phát hiện mình mắc chứng bệnh phong hủi. Để tránh sự dèm pha, kỳ thị của dân làng, năm 1970, sau khi học xong cấp 2, ông rời xa gia đình, đến Bệnh viện Phong tại xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An để chữa trị. Sau 4 năm kiên trì điều trị, bệnh của ông tiến triển tốt, nhưng ông không trở về quê mà xin ở lại làm công tác “người phong phục vụ người phong” do Bệnh viện phát động.
Trong thời gian ở đây, ông đã tích cực tham gia các phong trào, hoạt động văn nghệ của làng và đi biểu diễn khắp nơi. Trong một lần tham gia diễn kịch, ông đã gặp và thầm yêu bà Nguyễn Thị Tuyền, người con gái bị bệnh phong quê ở Hải Dương ra điều trị. Vốn đam mê ca hát, lại đồng cảnh ngộ nên hai người ngày càng trở nên gần gũi, thân thiết. Năm 1978, hai ông bà nên duyên vợ chồng, cùng xây dựng tổ ấm và nuôi dạy con cái. Cuộc sống của một người bị bệnh phong vốn đã khó khăn, nay có thêm gia đình lại càng cơ cực.
Để có tiền nuôi các con ăn học, ông phải trải qua rất nhiều nghề, từ chạy xe ôm đến cắt tóc. Thế nhưng, cái đói vẫn cứ đeo bám. Không biết trải lòng cùng ai, một ngày, ông lấy giấy bút ra, viết những lời tâm sự của bản thân, đó cũng là nỗi lòng chung của các bệnh nhân phong. Rồi ông làm thơ, viết truyện ngắn. Trong một lần tình cờ đọc báo, ông biết được địa chỉ của Tập tin Dân số - Gia đình và Trẻ em của tỉnh Quảng Bình nên đã viết bài gửi về cho tòa soạn. Tác phẩm đầu tiên của ông đã được đăng trên tập tin này.
“Cộng đồng hãy hiểu cho chúng tôi” là thông điệp mà “nhà báo trại Phong” tâm sự trong nội dung của những bài báo mà ông đã viết và được đăng. Ông muốn khẳng định, đồng thời chuyển tải tới mọi người khát vọng sống của những bệnh nhân phong. Mặc dù không có máy tính, đôi tay lại bị biến dạng vì bệnh tật, nhưng với niềm đam mê, ông luôn cố gắng cầm bút để gửi tới độc giả những trang viết, bài báo hay.
Đến giờ, ông Tiến không nhớ nổi mình đã viết được bao nhiêu bài báo, sáng tác được bao nhiêu bài thơ. Trong tập báo dày được ông giữ gìn cẩn thận, có tạp chí Nhật Lệ, cơ quan của Hội Văn hóa nghệ thuật Quảng Bình, đăng tác phẩm truyện ngắn “Cánh hoa mua tím” của ông. Tác phẩm này đã được Hội trao giải 3 và phát sóng trong chương trình “Đọc truyện đêm khuya” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong bao năm qua, không chỉ viết bài cho báo Quảng Bình, tạp chí Nhật Lệ, Tập tin Dân số - Gia đình và Trẻ em, ông còn cộng tác với nhiều tờ báo khác như báo Nghệ An, báo Quân khu 4...
Ông tâm sự: “Làm báo có nhiều niềm vui và cả nỗi buồn. Nhiều bài báo sau khi được đăng, tác giả đã gửi thư về khen ngợi, tỏ ý cảm thông, chia sẻ nhưng cũng có không ít người lại có thái độ kỳ thị. Mặc dù tiền nhuận bút không nhiều, chỉ đủ xăng xe nhưng quan trọng nhất là bản thân mình thấy vui và cảm nhận được cuộc đời ngày càng ý nghĩa, đặc biệt là đối với những người bị bệnh phong như chúng tôi”.
Đặng Duyên