Gia đình xã hội
Làng Việt kiều ven sông Hiếu
08:00, 17/06/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Họ là những người Việt định cư, làm ăn sinh sống tại đất nước Chùa Vàng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm 60 của thế kỷ trước, những người con đất Việt này đã hồi hương để chung tay xây dựng đất nước trong điều kiện chiến tranh. Hơn nửa thế kỷ thăng trầm, những gia đình Việt kiều này vẫn giữ được bản sắc văn hóa, sống quây quần ở một làng ven thượng nguồn sông Hiếu.
Làng Việt Hương, nay còn có tên gọi khác là khối Liên Thắng, phường Hòa Hiếu, TX Thái Hòa, là khu phố tương đối khác biệt trong tất cả các phố phường của thị xã trẻ này. Khác biệt ở chỗ, phần lớn cư dân ở đây đều là con cháu của kiều bào Thái Lan, họ về nước sinh sống và xây dựng quê hương. 198 hộ gia đình với khoảng 700 nhân khẩu, trở về đây sinh cơ lập nghiệp từ hơn 50 năm trước. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, vượt qua gian khó, những gia đình Việt kiều này đã trở thành những gia đình mẫu mực, công dân ưu tú. Hội Việt kiều Thái Lan tại TX Thái Hòa cũng là tổ chức hội có nhiều hoạt động giao lưu để tô thắm thêm mối giao hảo giữa hai đất nước.
Ông Nguyễn Văn Trường, công dân tiêu biểu ở làng Việt kiều |
Quê hương nghĩa nặng, tình sâu
Theo sự chỉ dẫn của ông Nguyễn Kim Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiếu, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của bà Mai Thị Bích Nọi (SN 1946), Chủ tịch Hội Việt kiều Thái Lan tại TX Thái Hòa. Ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa tán cây xanh, vẫn còn nhiều nét kiến trúc mang dáng dấp của đất nước Chùa Vàng, dù nó đã được xây dựng từ hàng chục năm trước.
Bà Nọi cho biết: “Do tốc độ đô thị hóa nên nhà cửa đã thay đổi nhiều, ít người còn giữ lại được nếp xưa như thế này lắm”. Bà nhớ lại: Năm 1959, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc ấy, mới 14 tuổi, bà đã lên chuyến tàu số 64 cùng với khoảng 1.000 người khác, cập cảng Hải Phòng và được đích thân Bác Hồ đến đón. Sau đó, những người Thái gốc Việt này đã xung phong lên vùng đất Phủ Quỳ để xây dựng kinh tế. Không thể kể hết những khó khăn lúc bấy giờ, nhưng với tâm nguyện xây dựng quê hương giàu mạnh, bà con Việt kiều đã đồng sức đồng lòng để vừa bảo tồn được tập quán, bản sắc văn hóa đặc trưng, vừa giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.
“Ở Thái Lan, mặc dù cũng là đi làm thuê, nhiều khi bị chính quyền khống chế, cấm mua đất nhưng cuộc sống tương đối tốt. Thời kỳ đầu khi mới đặt chân đến vùng đất này, nhiều người đã rất hoang mang vì đời sống quá khó khăn, nhưng rồi vì quê hương đất nước, bà con Việt kiều đã sát cánh bên nhau”, bà Nọi cho biết thêm. Cũng theo bà Chủ tịch Hội Việt kiều này, phần lớn những gia đình hồi hương hiện nay đều đang còn anh em, bà con sinh sống ở Thái Lan nên từ năm 2004 đến nay, kể từ khi thành lập Hội, bà con đã được kết nối, giao lưu để thăm thân, làm sâu sắc thêm mối quan hệ giao hảo giữa hai đất nước.
Theo lời kể của những bà con Việt kiều Thái Lan về xây dựng quê hương, hiện đang cư trú trên địa bàn TX Thái Hòa, những người Việt sinh sống ở Thái Lan chủ yếu là người gốc Quảng Bình và Hà Tĩnh, di cư sang nước Thái từ những năm đầu của thế kỷ 20, định cư tại bản Mạy, thuộc thôn Na Chook, xã Nõn Giạn, huyện Mương, tỉnh Nakhon Phanon, vùng đông bắc Thái Lan. Vào năm 1928, ở địa danh này, Bác Hồ với bí danh Thầu Chín đã dừng chân và cùng bà con Việt kiều yêu nước hoạt động cách mạng. Hiện, tại đây có rất nhiều bà con Việt kiều sinh sống, trong đó không ít người là anh em, bà con của những người đã trở về để xây dựng đất nước, trong đó có bà con Việt kiều ở TX Thái Hòa.
Trở về nước, những kiều bào này đã làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Nhiều người tiếp tục với nghề đan lát truyền thống, đánh bắt cá, nhưng lần này là trên thượng nguồn sông Hiếu chứ không phải sông Mê Kông trên đất Thái. Nhiều người có nghề nghiệp và trình độ học vấn được bố trí làm việc tại các công ty, đơn vị Nhà nước.
Lập nghiệp trên quê hương
Bà Mai Thị Bích Nọi làm việc tại Ty Văn hóa Nghệ An và nên duyên với ông Nguyễn Văn Trường (SN 1946), công tác ở Ty Thương binh. Hai ông bà có với nhau 3 người con. Dù là thương binh nặng nhưng ông Trường là điển hình về tấm gương cựu chiến binh “tàn nhưng không phế”, thường xuyên được chính quyền tuyên dương. Tương tự, ông Lê Duy Lai (SN 1942), khi trở về nước là thợ sửa chữa ôtô có tay nghề nên được bố trí vào làm việc tại Xưởng sửa chữa cơ khí 250 thuộc Bộ Nông nghiệp.
Ông Nguyễn Ái Hữu (79 tuổi), sau khi về nước được Nông trường 19/5 nhận vào làm việc. Sau này, khi kinh tế đã khấm khá, ông cùng nhiều người khác hùn vốn để xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn trên địa bàn. Ông Hữu cùng với rất nhiều gia đình khác đã khẳng định được “chỗ đứng” của mình, không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn nuôi dạy con cái trưởng thành, trở thành cán bộ công chức Nhà nước.
Bà Trần Thị Huyền Quang, Khối trưởng khối Liên Thắng cho biết, làng Việt Hương sống quây quần bên nhau trong suốt mấy chục năm kể từ sau khi về nước. Gần đây, do tốc độ đô thị hóa của thị xã trẻ, các hộ gia đình Việt kiều Thái Lan cũng đã mở rộng địa bàn sinh sống, không còn tập trung như trước. Mặc dù vậy, thông qua tổ chức Hội Việt kiều Thái Lan, những người Thái gốc Việt này vẫn giữ được bản sắc văn hóa rất riêng biệt của kiều bào Việt Nam ở đất nước Chùa Vàng.
Vào các dịp lễ Tết, thông qua Hội Hữu nghị Việt kiều, bà con lại quây quần, tụ họp bên nhau, cùng hát múa những bài hát truyền thống nhằm thắt chặt tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và để giữ gìn bản sắc văn hóa. Những kiều bào ở Thái Lan về nước của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã xích lại gần nhau hơn. Hàng năm, những người này lại tổ chức các chuyến đi sang Thái Lan để thăm thân và Hội Hữu nghị Thái - Việt ở Thái Lan cũng thường xuyên sang thăm Việt Nam, nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời xúc tiến các chương trình đầu tư cho quê hương.
Ông Lê Phúc Ân, Chủ tịch UBND TX Thái Hòa cho biết thêm, chính quyền địa phương luôn ghi nhận công lao to lớn của bà con Việt kiều. Họ đã trở về xây dựng quê hương từ những ngày đất nước còn gian khó. Vì vậy, chính quyền đã tạo mọi điều kiện để các gia đình này định cư, làm ăn sinh sống cũng như thăm thân, tăng cường mối quan hệ giữa hai đất nước. Nhiều con em kiều bào có năng lực đã được bố trí vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước.
Cũng theo ông Ân, các gia đình Việt kiều về lập làng sinh sống trên địa bàn thị xã đã tạo nên sự đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa. Các sinh hoạt văn hóa vào dịp lễ, Tết truyền thống của bà con Việt kiều đã vượt ra khỏi phạm vi các hộ gia đình và làng Việt Hương, trở thành nếp sinh hoạt chung của cả cộng đồng dân cư, nơi bà con kiều bào Thái Lan đã và đang sinh sống trong hơn nửa thế kỷ qua trên vùng đất đỏ bazan này.
Thiện Thành