Gia đình xã hội

Kỷ niệm 67 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2015)

Kịp thời nêu gương, nhân rộng điển hình

10:12, 11/06/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-67 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phong trào thi đua yêu nước đã góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh thống nhất non sông trong 40 năm qua, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là động lực thúc đẩy, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của từng bộ, ngành, địa phương trong từng thời kỳ.
 
Phong trào thi đua yêu nước đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu trong từng lĩnh vực đời sống xã hội, được giữ gìn, phát huy và đã trở thành phong trào quần chúng, được các cấp, các ngành tích cực tham gia. Đây cũng là một trong những biện pháp hiệu quả trong việc vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu là kịp thời động viên và khích lệ phong trào thi đua yêu nước
Tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu là kịp thời động viên và khích lệ phong trào thi đua yêu nước
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua - khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, hàng ngày”. Thi đua là tất yếu vì nền tảng của nó là "công việc hàng ngày của tất cả mọi người". Người nâng quan niệm thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị, coi thi đua yêu nước là biểu hiện của lòng yêu nước, của mỗi người dân Việt Nam; thi đua yêu nước là cốt cách, phẩm chất, đạo đức của người Việt Nam yêu nước. Bác khẳng định: “Hễ là người Việt Nam, yêu nước thì phải thi đua, thi đua là yêu nước, thi đua là một cách yêu nước thiết thực nhất và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
 
Vận dụng yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi “nêu gương” trong phong trào thi đua yêu nước, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc quan điểm “gần dân, trọng dân, kính dân, yêu dân” để bám sát phong trào của quần chúng trên các mặt của đời sống xã hội; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng và biểu dương gương người tốt, việc tốt, khích lệ quần chúng hăng hái thi đua.
 
Thi đua yêu nước không phải là từ những điều “đao to, búa lớn” mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”, bất kỳ công việc gì mang lại “ích nước, lợi nhà” là đều có thể và cần phải thi đua. ở vùng nông thôn, nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua: “Xây dựng nông thôn mới”, “Hiến đất làm đường giao thông”, “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”, “Xây dựng các mô hình làm kinh tế giỏi”...
 
Ở thành thị và các cơ quan, đơn vị có các phong trào: "Sản xuất kinh doanh giỏi", "Lao động sáng tạo", "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”... Trong lực lượng vũ trang, các phong trào “Thi đua quyết thắng”, "Vì an ninh Tổ quốc", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" tiếp tục được duy trì với những nội dung thiết thực, đã góp phần tăng cường, củng cố nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ an ninh, quốc phòng với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 
Hiện nay, cả nước đang phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020, cơ bản Việt Nam là nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo đó, nhiệm vụ cụ thể của thi đua là biện pháp xây dựng con người mới. Con người mới theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là có đầy đủ các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Mỗi công chức, viên chức và người lao động thi đua phải chấp hành kỷ cương, kỷ luật, thực hiện tốt nội quy, quy chế của cơ quan, góp phần đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tích cực đấu tranh với những hành động, biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
 
Kế thừa tư tưởng của Bác, trải qua 67 năm hình thành và phát triển, ngành thi đua, khen thưởng đã thực sự có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Công tác thi đua, khen thưởng luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách khen thưởng phù hợp với yêu cầu cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác thi đua, khen thưởng đã có tác dụng quan trọng nhằm động viên, nêu gương cho toàn xã hội, nhất là công tác khen thưởng đã kịp thời khuyến khích mọi người tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ mới.

Nguyễn Văn Thanh

Các tin khác