Gia đình xã hội
Đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ sau 75 năm hy sinh
08:04, 10/06/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Nam Đàn vừa hoàn tất thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Bành Trọng Hợi (SN 1907), hy sinh năm 1940 do bị địch bắt, tra tấn, tù đày rồi mất tại đồn Kim Nham (huyện Anh Sơn). Sau 75 năm kể từ ngày ông Hợi hy sinh, gia đình và cơ quan chức năng đã tìm lại được hồ sơ liên quan để cấp bằng Tổ quốc ghi công theo chế độ hiện hành.
Ông Bành Trọng Chinh (88 tuổi), con đẻ của liệt sĩ Bành Trọng Hợi, hiện trú tại xóm 2, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn cho biết: Ông Bành Trọng Hợi là cán bộ tiền khởi nghĩa, tham gia chiến đấu tại Chi bộ Đảng Xuân La, thuộc xã Xuân Lâm từ những ngày đầu của phong trào Xô Viết 1930 - 1931. Trong suốt thời gian dài, do gia đình không nắm được các chủ trương, chính sách cũng như việc chính quyền đã “lãng quên” nên mới đây, khi gia đình được Vụ Bảo vệ Chính trị nội bộ (Ban Tổ chức Trung ương) cung cấp hồ sơ liên quan, Ban Tổ chức Huyện ủy Nam Đàn cùng các ban, ngành hữu quan mới tiến hành làm hồ sơ công nhận liệt sĩ cho ông Bành Trọng Hợi.
Di ảnh ông Bành Trọng Hợi (Ảnh lưu trữ tại Vụ Bảo vệ Chính trị nội bộ) |
Theo lịch sử Đảng bộ xã Xuân Lâm, tối 5/6/1930, tại nhà ông Nguyễn Cảnh Bòi, Chi bộ Đảng Xuân La đã chính thức được thành lập và ông Bành Trọng Hợi là một trong những thành viên có mặt, được kết nạp vào Đảng. Sau đó, vào cuối năm 1931, địch lùng sục, bắt 37 cán bộ đưa về đồn để tra tấn dã man. Ông Bành Trọng Hợi bị địch bắt giam ở nhà lao Vinh và kết án 7 năm tù giam vào tháng 11/1931.
Tài liệu hiện còn chứng minh ông Hợi đã tham gia kháng chiến và hy sinh, ngoài thông tin bổ cứu từ cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Lâm giai đoạn 1930 - 2008”, trong danh sách đảng viên còn sống và đảng viên đã hy sinh trúng tiêu chuẩn liên tiếp (xác minh ngày 25/10/1967) có tên ông Bành Trọng Hợi. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã có quyết định công nhận ông Hợi là người hoạt động cách mạng hy sinh trước ngày 1/1/1945.
Từ những thông tin có được này, đặc biệt là ở mục ghi chú trong quyết định công nhận người hoạt động cách mạng hy sinh trước năm 1945, có ghi thêm ông Bành Trọng Hợi là “liệt sỹ, hy sinh năm 1940”. Thông tin này có được khi gia đình tiến hành làm hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ cán bộ tiền khởi nghĩa cho ông Hợi, nên ngay sau đó đã làm đơn đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Bành Trọng Hợi. Bởi phía thân nhân liệt sĩ cho rằng, ông Hợi đã hy sinh từ hơn nửa thế kỷ qua, được công nhận liệt sĩ nhưng gia đình không hề hay biết.
Đem vấn đề này trao đổi với ông Phạm Mậu Tùng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Đàn, được biết: Trường hợp của ông Bành Trọng Hợi hy sinh từ năm 1940, cả gia đình và chính quyền địa phương đều lãng quên, không biết đến. Năm 2013, khi tiến hành làm hồ sơ hưởng chế độ cán bộ tiền khởi nghĩa, phát hiện trong danh sách của Tỉnh ủy có ghi chú ông Bành Trọng Hợi là liệt sĩ thì gia đình mới làm đơn đề nghị. Tuy nhiên, Phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Đàn đã phối hợp với các ban, ngành chức năng rà soát lại thì thấy chưa có hồ sơ liệt sĩ của ông Bành Trọng Hợi.
Trên cơ sở những tư liệu có được, Ban Tổ chức Huyện ủy Nam Đàn đã yêu cầu gia đình ra Vụ Bảo vệ Chính trị nội bộ (Ban Tổ chức Trung ương) để sao chụp hồ sơ của ông Hợi mang số hiệu 2852-MTP, gồm 7 trang tài liệu bằng tiếng Pháp và một ảnh chân dung đang được lưu trữ tại đây.
Thân nhân liệt sĩ Bành Trọng Hợi mong muốn sớm cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ |
Sau khi có “bằng chứng” quan trọng này, huyện Nam Đàn đã hướng dẫn gia đình làm đề nghị xin xác nhận liệt sĩ đối với ông Bành Trọng Hợi theo Thông tư liên tịch số 28 ngày 22 tháng 10 năm 2013 giữa Bộ LĐ-TB&XH với Bộ Quốc phòng về việc hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Ngày 4/8/2014, gia đình mới chính thức gửi đơn đề nghị. Đến nay, mọi hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc đề nghị công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho ông Bành Trọng Hợi đã được hoàn tất và trình Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An để đề nghị Chính phủ công nhận.
Liên quan đến sự việc, bà Lê Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết thêm, trường hợp hồ sơ đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sĩ Bành Trọng Hợi, thân nhân cũng đã nhiều lần có ý kiến lên và huyện cũng đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các ban, ngành để nhanh chóng hoàn tất hồ sơ. Sau một số vướng mắc về giấy tờ còn bổ cứu, đến nay, hồ sơ đã được chuyển cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh để chuyển ra Trung ương theo quy định. Trong thời gian tới, khi hồ sơ được công nhận, chính quyền sẽ tổ chức trao tặng bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ theo nghi lễ trang trọng.
Thiện Thành - Huyền Trang