Gia đình xã hội
Nghị lực của ông chủ khuyết tật
08:54, 12/06/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Nằm khép mình trong con ngõ nhỏ trên đường Lê Quý Đôn, xã Hưng Lộc, TP Vinh là cơ sở sản xuất động cơ điện Thành Vinh do anh Lê Bá Thành làm chủ. Dù bị khuyết tật, thiệt thòi hơn so với bạn bè cùng trang lứa nhưng anh Lê Bá Thành đã vươn lên làm chủ cuộc sống, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
Anh Lê Bá Thành (SN 1978) sinh ra ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Từ lúc mới lọt lòng, Thành cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, đến năm 4 tuổi, Thành bị sốt và sau đó, hai chân đột ngột teo lại, không thể đi lại được. Không thể đến lớp nên Thành không có điều kiện học hỏi, tiếp cận với những kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật. Điều đó càng khiến vốn sống, tầm hiểu biết của anh bị thu hẹp lại. Năm lên 12 tuổi, Thành cùng gia đình đến TP Vinh sinh sống và lập nghiệp. Đây là một bước ngoặt lớn sau biến cố xảy ra với anh.
Anh Lê Bá Thành đang kiểm tra thiết bị tại cơ sở sản xuất |
Sinh sống tại TP Vinh, không thể đi học, Thành lại phát hiện mình có đam mê với kỹ thuật. Được sự đồng ý của bố mẹ, Thành tìm đến cơ sở sửa chữa điện tử để vừa học vừa làm. Đây cũng là cơ hội để Thành tự mày mò, khám phá, sửa chữa và sáng tạo thêm nhiều thiết bị phục vụ cuộc sống. Khó khăn trong việc di chuyển khi đi làm nhưng với Thành, bây giờ cuộc sống của anh dường như đã bước sang trang mới, ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Ngày nhận tháng lương đầu tiên, anh vui mừng rơi nước mắt.
Vừa học vừa làm, chàng trai trẻ Lê Bá Thành còn ấp ủ mong ước lớn lao hơn, đó là không chỉ dừng lại ở việc sửa chữa các thiết bị, anh muốn tự mình tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn của bản thân, ưu việt nhưng giá thành lại rẻ hơn so với các cơ sở khác. Sau 7 năm làm công nhân, năm 2007, anh quyết định mở một xưởng nhỏ tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh. Sau thời gian hoạt động có hiệu quả, anh mạnh dạn thuê mặt bằng rộng 240 m2 tại xã Hưng Lộc để mở rộng việc sản xuất kinh doanh. Một mình lo tìm mặt bằng, thuê công nhân, tuy vất vả nhưng anh luôn coi đó là những kinh nghiệm quý giá để gia nhập thị trường kinh doanh chung.
Vì các mặt hàng rất đa dạng nên anh phải thuê 4 nhân công cùng làm. Mức lương trung bình anh trả cho mỗi công nhân là 4 triệu đồng/tháng. Mày mò nghiên cứu mất 1 năm trời, anh đã chế tạo thành công máy hàn điện mang tên chính cơ sở sản xuất của mình - Thành Vinh. Nhờ giá thành vừa phải, kiểu dáng đẹp, chế độ bảo hành hợp lý nên nhiều loại máy móc của cơ sở anh đã tạo được uy tín và thương hiệu trên thị trường. Ngoài ra, anh còn cùng nhân viên nghiên cứu và sản xuất nhiều loại máy móc được ưa chuộng trên thị trường như máy thái rau, chuối, máy xay thịt, chế biến thức ăn chăn nuôi…
Và cũng chính trong môi trường làm việc hàng ngày phải tiếp xúc với máy móc, anh đã tìm được “một nửa” của cuộc đời. Quen nhau khi cô sinh viên Trường Trung cấp Hồng Lam Lê Trang Nhung ở trọ gần cơ sở, hai người có nhiều điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu. Trong quá trình về học và làm việc tại cơ sở sản xuất của anh, tình cảm thầy trò, tình đồng nghiệp giữa chị Nhung và anh Thành lớn dần qua mỗi ngày, rồi hai người yêu nhau lúc nào chẳng hay. Ngày anh Thành bày tỏ tình cảm với chị Nhung, dẫu biết còn đó những lo lắng cho tương lai nhưng hai người vẫn quyết tâm đến với nhau, dựng xây hạnh phúc bền lâu.
Những lúc phải đi lại để giao tiếp với khách hàng, từ một mình, giờ anh Thành đã có người hỗ trợ. Ước mơ lớn nhất của chàng trai trẻ lúc này là đưa thương hiệu của cơ sở ngày càng tiến xa, tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thương trường và tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực, phục vụ cuộc sống của người dân.
Bảo Nhi