Gia đình xã hội
Cảnh giác với bệnh dại
(Congannghean.vn)-Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có 4 trường hợp tử vong vì bệnh dại, riêng năm 2014 có 10 trường hợp. Theo điều tra khảo sát, nguyên nhân lớn nhất khiến bệnh dại diễn biến phức tạp là do người dân vẫn còn chủ quan với căn bệnh này. Nếu không nâng cao ý thức phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân thì sức khỏe, thậm chí tính mạng của nhiều người sẽ bị đe dọa.
Theo số liệu từ Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có hơn 700.000 con chó, đó là chưa kể tới số chó được nhập lậu từ Lào về theo đường tiểu ngạch. Do số người tử vong vì bệnh dại vẫn còn cao nên Nghệ An là một trong những địa phương được xem là trọng điểm về công tác phòng chống bệnh dại. Từ đầu năm đến nay, đã có tới 1.800 trường hợp bệnh nhân phơi nhiễm do chó nghi dại cắn. Trong số đó, có 4 bệnh nhân đã tử vong.
Theo ông Hoàng Ngọc Đàn, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh học, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Nghệ An, các trường hợp tử vong đều do không đi tiêm phòng sau khi bị chó nghi dại cắn. “Tâm lý người dân chủ quan cho rằng chó nhà cắn nên không sao. Mặt khác, điều kiện kinh tế còn khó khăn, trong khi đó, ở một số nơi, người dân vẫn còn tập tục lạc hậu là đi lấy thuốc nam, thuốc bắc để uống thay vì đến cơ sở y tế để tiêm huyết thanh phòng bệnh dại hoặc vắc-xin phòng dại là những nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả đau lòng trên”, ông Đàn cho biết thêm.
Tình trạng chó thả rông vẫn còn phổ biến tại nhiều địa phương, gây khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh dại |
Thực tế cho thấy, thời gian ủ bệnh dại là cả một quá trình dài chứ không phải trong một hay hai ngày. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Kể cả động vật và người khi đã lên cơn dại đều dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi bị chó dại cắn, việc quan trọng nhất là phải rửa vết cắn bằng xà phòng dưới vòi nước, sau đó nhanh chóng đến cơ sở y tế để được hướng dẫn cụ thể.
Để phòng ngừa bệnh dại, cách tốt nhất là đưa chó đi tiêm vắc-xin chống dại hàng năm theo lịch của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh. Khi ra đường, chó phải đeo rơ-mõm, dây xích. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác này vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các vùng nông thôn. Dù đã có sự phối hợp giữa Chi cục Thú y và chính quyền địa phương nhưng tình trạng chó thả rông chưa có thiết bị bảo vệ vẫn còn phổ biến.
Một phần nguyên nhân là chi phí tiêm phòng dại vẫn còn cao, với mức chi trả 1 lọ huyết thanh phòng dại/25 kg có mức giá 370.000 đồng, còn riêng vắc-xin phòng dại cho người 1 mũi 200.000 đồng, đã khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn trong việc tiêm phòng khi bị chó nghi dại cắn.
Thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã có hỗ trợ cấp kinh phí phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2013 - 2015. Theo đó, những hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ dưới 6 tuổi được hỗ trợ miễn phí khi tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh dại.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm các ổ dịch dại, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên chó; Phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, không để xảy ra tình trạng chó chạy rông và có biện pháp quản lý hiệu quả chó, mèo vô chủ; tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo đạt tỉ lệ đảm bảo hiệu lực phòng bệnh; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tổ chức xử lý triệt để các ổ dịch dại trên người và động vật.
Khi con vật đã được xác định mắc bệnh dại phải tiêu hủy ngay (trường hợp không xác định được chủ vật nuôi thì UBND cấp xã chịu trách nhiệm tiêu hủy) để ngăn chặn sự lây truyền bệnh sang súc vật khác và lây truyền sang người. Bên cạnh đó, cần xây dựng, cung cấp và phổ biến rộng rãi các nội dung, thông điệp tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người.
Mai Hậu