Gia đình xã hội

Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em 2015

Sôi nổi các diễn đàn 'Lắng nghe trẻ em nói'

14:16, 21/05/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, nhiều địa phương trong tỉnh đã sôi nổi tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến Tháng hành động vì trẻ em 2015. Trong đó, diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” đã thu hút sự tham gia đông đảo của các em học sinh, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, mang lại hiệu quả thiết thực, nhằm tạo cơ hội cho trẻ em có điều kiện tham gia vào các hoạt động liên quan đến trẻ em.
 

Dù đã nhiều lần tổ chức các hoạt động, diễn đàn cho trẻ em nhưng ít ai ngờ, các em lại mạnh dạn và tự tin đến vậy khi phát biểu tâm tư, tình cảm của mình liên quan đến các vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là trong học tập và quyền lợi của trẻ em…

Ngày 24/4/2015, TP Vinh đã tổ chức diễn đàn trên tại Trung tâm Hội nghị thành phố với sự tham gia của 150 em là đại biểu cháu ngoan Bác Hồ TP Vinh. Nhiều em đã mạnh dạn giải bày những nỗi niềm, băn khoăn trong cuộc sống như: Áp lực về học tập khi học ở trường, học ở nhà, ở lớp học thêm; mơ ước về những sân chơi rộng lớn để mọi trẻ em đều có thể tham gia; phương pháp để các em tránh xa trò chơi điện tử, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý. Những câu hỏi trên của các em đã được giải đáp hợp lý và thấu đáo. 

Các em học sinh phát biểu  về những tâm tư, nguyện vọng của mình tại diễn đàn
Các em học sinh phát biểu về những tâm tư, nguyện vọng của mình tại diễn đàn
 
Trong khi đó, tại huyện Tương Dương, ngày 6/5/2015, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Huyện đoàn đã tham mưu UBND huyện tổ chức diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói để thực hiện quyền của trẻ em” với sự tham gia của hơn 100 em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi, đại diện cho 10.062 học sinh của 18 xã, thị trấn cùng 100 đại biểu các cấp hội và các ban, ngành, đoàn thể. Khác với các bạn ở thành phố và vùng đồng bằng, học sinh tại huyện miền núi Tương Dương đã “chất vấn” những vấn đề gắn liền với cuộc sống thôn bản.
 
Điển hình như, học sinh Trường Tiểu học Yên Na 2 tâm sự về khao khát được đến trường nhưng bị bố mẹ ngăn cấm, bắt ở nhà làm nương rẫy thì phải làm sao? Học sinh Trường Yên Tĩnh trao đổi về thực trạng bạo lực gia đình vẫn đang tiếp diễn tại địa phương, hay sự lo lắng về nạn tảo hôn khi các em không được đi học mà phải ở nhà lấy chồng theo sự ép buộc của gia đình...
 
Có thể nói, sự rụt rè của các em đã biến mất, thay vào đó là những tâm sự, giãi bày rất chân thực, những đòi hỏi về những quyền lợi căn bản của trẻ em. Ngoài được lắng nghe giải đáp của các ban, ngành liên quan, những kiến nghị, thông điệp của các em sẽ được tiếp tục xem xét, trả lời sau khi diễn đàn kết thúc.
 
Có thể thấy, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2015, với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”. Theo đó, Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 sẽ được cụ thể hóa với nhiều khẩu hiệu truyền thông như: Trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; Đầu tư cho trẻ em - đầu tư cho tương lai của đất nước...
 
Trên cơ sở đó, vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn kinh phí để xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em; tặng quà, trao học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ phẫu thuật, chỉnh hình cho trẻ em khuyết tật. Điển hình như UBND huyện Tương Dương đã tặng quà cho các em học sinh nghèo vượt khó, với tổng số tiền 80 triệu đồng.
 
Trên thực tế, diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” đã thực sự đi vào chiều sâu với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Diễn đàn đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, nhận được sự phối hợp từ các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của các em học sinh. Tùy theo từng vùng miền, những vấn đề mà các em trao đổi đều có sự khác biệt và gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt đặc thù của từng địa phương.
 
Qua đó, tự bản thân mỗi người sẽ xác định được vị trí, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chia sẻ và tìm ra các giải pháp thích hợp để giải quyết, xử lý những tệ nạn xã hội có nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ em. Đây cũng là cơ hội để các em có điều kiện “tập làm người lớn”, phát biểu, “chất vấn” và đưa ra những yêu cầu chính đáng để bảo vệ quyền lợi căn bản của bản thân.

Mai Hậu - Mỹ Lương

Các tin khác