Gia đình xã hội
Triển khai các biện pháp phòng, tránh đuối nước cho học sinh trong dịp hè
09:11, 20/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Vào dịp hè nắng nóng, lốc xoáy, mưa lũ, xảy ra liên tiếp nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm ở học sinh. Dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng do sự thiếu ý thức cũng như trách nhiệm của người lớn vô hình chung đã dẫn đến những hậu quả khôn lường. Sở GD&ĐT Nghệ An vừa có văn bản yêu cầu các phòng giáo dục, các trường học trên địa bàn xây dựng kế hoạch và triển khai kịp thời các biện pháp phòng, tránh đuối nước cho trẻ em, học sinh trong dịp hè 2015.
Chỉ tính riêng từ đầu tháng 5 đến nay, đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi nhận được tin em Nguyễn Công Quang, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nghi Văn, huyện Nghi Lộc đi câu cá tại đập Khe Tàng, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành không may bị trượt chân xuống đập nước. Sau nhiều giờ tìm kiếm, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể của em. Đập Khe Tàng là đập nước lớn, lòng đập sâu, không bằng phẳng nên tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất cao. Dù đã được cảnh báo nhưng các em vẫn “bỏ ngoài tai”, dẫn đến tai nạn thương tâm. Quang ra đi trong nỗi đau đớn xót xa của bà ngoại, của bố mẹ đang đi làm ăn xa, chưa kịp về nhìn mặt đứa con tội nghiệp.
Cần tuyên truyền để trẻ em không tham gia tắm sông, suối nhằm hạn chế tình trạng đuối nước thường xảy ra trong dịp hè |
Vào chiều 16/5, 3 học sinh Trường Tiểu học xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu rủ nhau đi tắm biển, không may bị sóng nhấn chìm cuốn ra xa, dẫn tới tử vong. Đó là Bùi Quang Thành, Vũ Văn Huynh và Vũ Văn Đệ, đều là học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Quỳnh Thuận. Trước đó, vào sáng 10/5, một nhóm học sinh gồm 7 em Trường THCS Đồng Tường, xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương rủ nhau ra sông Lam tắm. Trong khi tắm, hai em trong số đó là Nguyễn Thị Cẩm Tú và Lê Nguyễn Hà My, đều là học sinh lớp 6, Trường THCS Đồng Tường, không may bị nước cuốn trôi. Mặc dù đã kịp thời phát hiện nhưng do lượng nước sông Lam ở thượng nguồn đổ về lớn, lại chảy xiết nên đã cuốn trôi hai em.
Trên đây chỉ là số ít trong số rất nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra trong thời gian vừa qua, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi. Tai nạn đuối nước không chỉ xảy ra do sự thiếu ý thức của các em học sinh khi đi tắm mà một phần nguyên nhân xuất phát từ đặc điểm địa hình nơi đây, các em đến trường thường phải vượt qua nhiều khe, suối. Đặc biệt vào thời điểm mưa lũ, lốc xoáy, nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là rất cao.
Nghệ An là 1 trong 10 tỉnh được Bộ GD&ĐT chọn triển khai công tác phòng, chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong cấp tiểu học giai đoạn 2010 - 2015. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình còn gặp nhiều khó khăn và hầu hết chỉ mới được thực hiện trên lý thuyết. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thái, Phó chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Thực tế, tại một số huyện đã mở lớp tập huấn về dạy bơi cho cán bộ, giáo viên và tập bơi cho trẻ em, với những mô hình như “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” phòng chống thương tích cho trẻ em nhằm giúp mọi người nhận biết được các mối hiểm họa có thể gây ra tai nạn thương tích và biết cách loại bỏ.
Tuy nhiên, tại các trường học ở nông thôn, miền núi còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, số lượng giáo viên dạy bơi lại hạn chế nên việc tổ chức được một lớp dạy bơi là rất “hiếm”. Hơn nữa, sự thiếu ý thức của các em học sinh, sự thờ ơ từ phía gia đình là những nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn đuối nước.
Sở GD&ĐT Nghệ An vừa có văn bản yêu cầu các phòng giáo dục, trường học đóng trên địa bàn xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp, chuẩn bị điều kiện để tổ chức các lớp dạy bơi bằng nhiều hình thức như ngoại khóa, chính khóa, huy động học sinh, phụ huynh, nhà trường tham gia; giáo dục, tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng tránh đuối nước trên các phương tiện thông tin của nhà trường.
Khuyến khích các em chủ động tham gia các lớp học bơi; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về công tác phòng, tránh đuối nước tại các bể bơi và những khu vực dễ xảy ra tai nạn đối với trẻ em, học sinh, đặc biệt là ở cấp mầm non và tiểu học.
Tất Vượng