Gia đình xã hội
Bình đẳng giới để phụ nữ phát huy năng lực
07:46, 27/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Khi vấn đề bình đẳng giới ngày càng được xã hội quan tâm thì vị trí của người phụ nữ dần được khẳng định. Điều này góp phần thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của chị em trong mọi lĩnh vực đời sống.
Chương trình quốc gia về bình đẳng giới được tỉnh triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ; tạo mọi điều kiện để thực hiện hiệu quả các quyền cơ bản của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…
Theo số liệu khảo sát mới đây của TW Hội LHPN Việt Nam cho thấy, trên 95% phụ nữ và nam giới trong các gia đình đều tham gia các hoạt động tạo thu nhập. Khoảng 51% nam giới và phụ nữ cùng chăm sóc, giáo dục con và chăm sóc các thành viên khác trong gia đình. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền luôn coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước như Chỉ thị 49/CT-TW về xây dựng gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân - Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em…
Bình đẳng giới là điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện - Ảnh minh họa |
Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thông qua các hoạt động, không ít chị em phụ nữ đã tự tin phát huy năng lực, nhận thức được sự bình đẳng trong quan hệ hôn nhân gia đình, khẳng định được vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Nhiều chị em đã có công xây dựng, mở rộng được nhiều mô hình hay, hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, trên thực tế khoảng cách về giới vẫn còn tồn tại. Lao động nữ vẫn còn nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, về cơ hội được đào tạo, đào tạo lại, cơ hội thăng tiến; vẫn còn định kiến giới, phân biệt đối xử với lao động nữ trong tuyển dụng, khi bố trí, sắp xếp nhân sự. Trong lĩnh vực lao động, việc làm, lao động nữ hiện vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới, thường có xu hướng bị thất nghiệp cao hơn.
Không chỉ thực hiện tốt vai trò của một người vợ, người mẹ, bà Nguyễn Thị Liên trú tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu còn góp phần chia sẻ gánh nặng về kinh tế cùng chồng. Trước đây, bà là một phụ nữ nông thôn suốt ngày quanh quẩn với ruộng vườn và làm thêm nghề phun thuốc trừ sâu để kiếm thêm thu nhập nhằm trang trải cuộc sống gia đình. Sau nhiều năm học hỏi được kinh nghiệm, bà đã cùng với chồng thành lập cơ sở đan lưới tại nhà. Vai trò của bà được khẳng định khi cơ sở đan lưới của gia đình bà ngày càng ăn nên, làm ra, giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động.
Theo chương trình quốc gia về bình đẳng giới, mục tiêu từ nay đến năm 2020 là: Tỉ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý Nhà nước đạt từ 30% trở lên; tỉ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên, tỉ lệ nữ tham gia HĐND các cấp đạt từ 35% trở lên; 60% sở, ban, ngành, 100% UBND các cấp có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ; 100% chủ tịch, phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh và các huyện, thành, thị; 90% trở lên chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở dưới 45 tuổi đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định.
Để đạt được mục tiêu trên về công tác cán bộ nữ, thời gian tới, các ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng nhân dân; tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nữ phát triển. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục có chiều sâu, nâng cao nhận thức của người dân là một trong những việc làm vô cùng cần thiết để công tác bình đẳng giới trên địa bàn đạt được nhiều thành công hơn nữa.
Cao Loan