Gia đình xã hội
Tình mẹ nơi làng trẻ SOS
09:20, 11/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Các mẹ, các dì đã hy sinh tuổi xuân, cống hiến cả cuộc đời mình để sưởi ấm, xoa dịu nỗi đau cho những mảnh đời bất hạnh. Đó là những người mẹ chịu nhiều thiệt thòi khi chưa hề biết đến niềm vui thực hiện thiên chức của người phụ nữ, nhưng vẫn được các con gọi bằng tiếng mẹ thân thương.
Chúng tôi ghé thăm Làng trẻ em SOS Nghệ An vào một buổi chiều đầu tháng 4. Làng hiện ra với những ngôi nhà sơn màu đỏ tươi mới. Khi vào trong làng, tiếng trẻ thơ ê a tập đọc, vui đùa ở các sân chơi khiến khung cảnh trở nên vô cùng ấm áp. Làng SOS là mái nhà chung của những đứa trẻ không may mắn trong cuộc sống như mồ côi hoặc bị bỏ rơi, người thân không còn khả năng chăm sóc...
Khác với trường học, Làng trẻ SOS là nơi nuôi dưỡng, giáo dục các em theo mô hình nền tảng gia đình với 4 nguyên tắc: Mẹ, anh chị em, mái ấm gia đình và cộng đồng. Mỗi ngôi nhà là tổ ấm của gia đình, có mối quan hệ gắn bó với từng trẻ thông qua mối xây dựng của bà mẹ. Người mẹ giữ vai trò tạo ra môi trường gia đình để giáo dục, nuôi dưỡng các con mình nên người. Những nhân viên khác trong Làng hỗ trợ các gia đình theo nhu cầu của bà mẹ và các con.
Những người mẹ Làng trẻ SOS tận tình chăm sóc, dạy bảo các con nên người |
Khó có thể tả hết sự vất vả, gian truân và cả những hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ đã và đang bước qua tuổi thanh xuân ở đây. Các mẹ, các dì tự nguyện gắn bó cuộc đời ở Làng trẻ SOS với nhiều nguyên do khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là muốn được chia sẻ và chăm sóc cho những số phận kém may mắn trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Thanh (51 tuổi), mẹ của hơn 30 đứa trẻ tâm sự: “Xác định vào đây là vất vả, nhưng các con khoẻ mạnh, chăm ngoan, học giỏi đó là nguồn động viên để tôi vượt qua tất cả. Niềm vui của tôi là các con, hạnh phúc mỗi ngày của tôi cũng từ các con. Các con chính là nơi tôi tìm về sau những nỗi niềm riêng trong cuộc sống. Đã 23 năm qua, tôi vui và cảm thấy được an ủi khi nhìn các con trưởng thành. Tuy nhiên, làm việc gì cũng gặp khó khăn lúc ban đầu, nhưng chưa lần nào tôi thấy nản lòng”.
Hàng ngày, khi chưa đến 5 giờ sáng, các mẹ đã phải dậy lo cơm nước cho các con, chuẩn bị cho các con đến trường, tất bật làm đủ mọi việc trong nhà, rồi lại lo chuẩn bị bữa trưa cho các con. Quần quật cả ngày nhưng buổi tối các mẹ lại thức học bài cùng đứa lớn, dỗ dành đứa nhỏ ngủ nên đến hơn 10 giờ tối các mẹ mới được nghỉ. Bao nhiêu công việc, bộn bề lo toan là vậy, nhưng các mẹ, các dì nơi đây yêu thương, chăm sóc các em như chính những đứa con mình mang nặng đẻ đau.
Từng cách cho con uống sữa, chăm ẵm, trò chuyện với con… mới thấy được tình mẹ luôn bao la, vô bờ bến. Và để chăm sóc các em được tốt hơn, mỗi gia đình ở Làng đều có một diện tích nhỏ để trồng rau xanh, vừa cải thiện bữa ăn, vừa đảm bảo được nguồn rau sạch cho gia đình. Từ chỗ cảm thương với hoàn cảnh của các em, các mẹ, các dì đã quên hạnh phúc riêng mà hy sinh cả cuộc đời để lo lắng và nâng đỡ các em.
Chấp nhận làm mẹ của những đứa trẻ không phải do mình dứt ruột sinh ra là chấp nhận khó khăn vất vả, nhưng các mẹ ở Làng trẻ em SOS Nghệ An chưa bao giờ ca thán, phàn nàn điều gì. Có lẽ trái tim khao khát con trẻ của người phụ nữ chưa một lần được làm mẹ là động lực để các chị dành tình “mẫu tử” một cách trọn vẹn cho những đứa con. Để các em hoàn thiện nhân cách, hòa nhập tốt với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội là mục tiêu lớn nhất của những người mẹ, người dì của rất nhiều trẻ mồ côi trong ngôi làng này. Mỗi trẻ một tính nết, song bằng tình yêu thương, chia sẻ với hoàn cảnh của những đứa trẻ bất hạnh, họ đã âm thầm cùng nhau chăm sóc, dạy bảo các em.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Làng trẻ em SOS Nghệ An cho biết: Hiện tại, Làng có tất cả 15 ngôi nhà với 250 trẻ, nhưng chỉ có 22 mẹ và dì nuôi dưỡng, chăm sóc. Các em được quan tâm chu đáo, đảm bảo phát triển nhân cách trong môi trường lành mạnh. Tuy cuộc sống chưa đủ đầy nhưng dưới sự chỉ bảo, dìu dắt của các mẹ, các dì, các em đã tìm thấy điểm tựa tinh thần, niềm an ủi, vỗ về để vượt qua hoàn cảnh. Những việc làm ấy đã tạo nên tình cảm mẹ con gần gũi, gắn bó, anh chị em trong gia đình đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.
Cao Loan