Gia đình xã hội
Hè đến, nỗi lo trẻ em đuối nước lại hiện hữu
08:12, 10/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Mỗi khi hè đến là khoảng thời gian lý tưởng để các em học sinh vui chơi, giải trí sau một năm học tập căng thẳng. Thế nhưng, đây cũng là thời điểm dễ xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước, để lại nhiều đau thương, mất mát cho gia đình và xã hội. Làm thế nào để hạn chế tai nạn đuối nước đang là “bài toán” khó, cần sự quan tâm của các bậc phụ huynh cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2014, toàn tỉnh xảy ra hàng trăm vụ đuối nước, làm 76 trẻ em tử vong, đa số ở độ tuổi học sinh tiểu học và THCS. Trong đó, nhiều nhất là huyện Quỳnh Lưu với 21 em, huyện Yên Thành 7 em.
Tắm sông nguy cơ dẫn đến tình trạng trẻ bị đuối nước - Ảnh minh họa |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn là do các em chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng bơi, kỹ năng ứng cứu người gặp nạn. Mặt khác, một số em sợ gia đình phát hiện, cấm cản nên thường rủ nhau đến những khúc sông, ao, hồ vắng vẻ để đùa nghịch. Trong khi đó, hầu hết những nơi này không được lắp đặt biển báo, rào chắn cảnh báo nguy hiểm, lại ở xa khu dân cư nên lượng người lưu thông, qua lại ít, khi các em gặp nạn thì không có sự trợ giúp kịp thời. Mùa nắng nóng cũng là thời điểm lý tưởng để các em tìm đến không gian mát mẻ như sông, suối, biển, hồ… Trẻ vốn mải chơi lại chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của việc chơi đùa dưới nước nên thường xảy ra nhiều vụ chết đuối thương tâm.
Em Nguyễn Thị Giang trú tại xóm Đông Phú, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành cho biết: “Vào thời gian nghỉ hè, trời nắng nóng nên em và các bạn gần nhà thường rủ nhau ra sông để tắm, chơi đùa. Mặc dù được bố mẹ nhắc nhở, thậm chí không cho, nhưng thấy các bạn ai cũng đi, nên lợi dụng khi bố mẹ nghỉ trưa, em thường trốn đi tắm sông cùng với các bạn”.
Cứ mỗi dịp hè, trong khi các em học sinh ở khu vực thành phố được vui chơi ở các trung tâm, cung văn hóa thiếu nhi, đi bơi ở các bể bơi, thì các em học sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa phải đi mò cua, bắt ốc, chăn trâu phụ giúp gia đình nên thường rủ nhau ra ao, hồ, sông, suối tắm. Nhiều vụ đuối nước rất thương tâm đã xảy ra do các em bước hụt vào những hố sâu do người dân đào đất để lại hoặc không được học cách phòng tránh, cứu giúp khi bị đuối nước. Khi thấy bạn mình bị đuối nước đã ra cứu mà không biết mình cũng đang gặp nguy hiểm, dẫn đến nhiều vụ có tới 2 - 3 em bị đuối nước.
Điển hình, ngày 1/8/2014, 4 em học sinh gồm: Vi Thị Na (SN 2002), Vi Thị Niệm (SN 2003), Lê Thị Nhật Quyên (SN 2002) và Nguyễn Thị Năm (SN 2002), đều trú tại xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai, trong đó Na và Niệm là hai chị em ruột, đã rủ nhau ra khu vực đê sông ngăn mặn tại thôn Quyết Tâm, xã Quỳnh Lập để bắt ốc. Trong lúc bắt ốc, 4 em bị trượt chân rơi xuống một cái hố rất sâu. Do không biết bơi, nên 3 trong số 4 em đã bị chết đuối.
Được biết, từ năm 2010, Bộ GD&ĐT đã triển khai công tác phòng, chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010 - 2015. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này gặp nhiều khó khăn, khi hầu hết các trường tiểu học, trung học cơ sở không có bể bơi, địa phương cũng không có bể bơi cho thuê. Bên cạnh đó, còn có nhiều giáo viên phụ trách môn không biết bơi, không biết cách cứu nạn, cứu hộ. Vì vậy, các trường chỉ có thể hưởng ứng trên giấy, chứ không có cách thực hiện.
Để các em vui chơi an toàn, tránh xa mối nguy hiểm từ sông nước trong dịp hè, các cấp chính quyền nên có biển cảnh báo nguy hiểm, cấm tắm ở những chỗ nước sâu, đáy sông, suối, ao hồ có nhiều đá cát, dễ sạt lở... Các bậc phụ huynh cần phải quan tâm, kiểm soát trẻ thường xuyên hơn. Đồng thời, cần nhanh chóng triển khai, tiến hành khẩn trương, sâu rộng việc học bơi, phổ cập bơi cho trẻ em ở trường.
Đặng Duyên