Gia đình xã hội
Những việc cần làm ngay để giữ 'lá phổi xanh' của TP Vinh
(Congannghean.vn)-Theo Quyết định số 52/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 14/1/2015, TP Vinh sẽ trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ vùng Bắc Trung Bộ.
Theo quyết định phê duyệt, điều chỉnh và mở rộng, TP Vinh sẽ có tổng diện tích khoảng 250 km2, theo mô hình “Đô thị đa cực sinh thái phi tập trung, nhất thể hóa giữa đô thị với nông thôn và tự nhiên”. Chính vì thế, việc quy hoạch, giữ gìn và phát triển cây xanh cũng được đặt ra, để TP Vinh xứng tầm là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.
Theo thống kê của Công ty CP Công viên cây xanh TP Vinh, là đơn vị đang trực tiếp bảo vệ, chăm sóc và phát triển cây xanh đô thị, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng gần 29 nghìn cây xanh với 25 loại cây, chủ yếu là sao đen, xoài, bằng lăng, ngô đồng, bàng, xà cừ…
Theo đánh giá, số loại cây hiện nay đang sinh trưởng và phát triển trên các tuyến đường, hè phố có tuổi thọ vài chục năm trở lại. Có gần 8 nghìn cây xanh có “thâm niên” trên 30 năm, 15 nghìn cây có tuổi thọ từ 10 - 20 năm, dưới 10 năm có khoảng 5 nghìn cây. Cây có tuổi thọ trên 100 năm hiện nay chủ yếu là xà cừ, phân bổ ở các tuyến phố như Lê Mao, khu vực cổng thành Vinh.
Cây xanh trên đường Đinh Công Tráng - TP Vinh |
Tuy nhiên, số lượng cây này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhìn chung, trong khoảng vài thập niên trở lại đây, cây xanh trên địa bàn thành phố đã được quan tâm chăm sóc nhằm tạo môi trường, cảnh quan đô thị và môi trường sống sạch đẹp cho người dân. Trước đó, cây xanh thành phố được người dân trồng tự phát để lấy bóng mát.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật Công ty CP Công viên cây xanh TP Vinh cho biết: Mỗi năm, ngoài việc đảm nhiệm chức năng bảo vệ, chăm sóc cây, đơn vị còn chú trọng trồng mới, thay thế cây bị sâu bệnh, đổ ngã khoảng 600 - 800 cây. Hiện nay, tất cả các tuyến phố trên địa bàn đều có cây xanh đang sinh trưởng và phát triển, có vỉa hè phù hợp là có cây xanh. Công tác bảo vệ cây cũng được đơn vị giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng người dân tự ý chặt hạ, di chuyển cây trái với quy định của pháp luật.
Ông Dũng cũng cho biết, từ năm 2008 về trước, tình trạng cá nhân, tổ chức xâm hại đến cây xanh xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị. Mỗi năm, đơn vị đã kịp thời phát hiện, phối hợp với Công an thành phố xử lý hành chính hàng chục vụ phá hoại cây xanh. Hiện nay, đơn vị đang tiến hành lập hồ sơ quản lý, nghiên cứu, đưa một số loại cây vào diện cây di sản để bảo vệ, chăm sóc.
Khi đề cập tới vấn đề làm thế nào để quản lý, chăm sóc, bảo vệ tốt cây xanh thành phố, ông Phan Xuân Bảo, Giám đốc Công ty cho rằng: Hiện tại, theo quy hoạch của thành phố thì chưa có chủ trương thay thế cây xanh. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về việc bảo vệ cây xanh cần được quan tâm hơn nữa. Vinh là thành phố có đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu phức tạp, khắc nghiệt. Hàng năm, thành phố phải gánh chịu không ít cơn bão đổ bộ, khiến cây xanh bật gốc, gãy, đổ là điều khó tránh khỏi.
Được biết, bình quân diện tích cây xanh của thành phố hiện nay là hơn 11 m2/người, thấp hơn rất nhiều so với bình quân của thế giới là khoảng 39 m2/người. Thực tế này đang gây ra những bất lợi cho quá trình phát triển của đô thị trong tương lai, đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân.
Cùng với nhiều đô thị nằm dọc dải đất miền Trung, người dân TP Vinh đang phải gồng mình vượt qua những đợt nắng nóng kỷ lục, khí hậu khô nóng, bụi bặm của mùa hè. Đây là những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu nhưng cũng là hệ quả của hiệu ứng đô thị hoá. Và những gì mà người dân đang phải trải qua sẽ còn tiếp diễn nặng nề hơn trong nhiều năm tới. Quan tâm đến môi trường, không gian cây xanh, mặt nước để góp phần điều hòa khí hậu đang là những vấn đề cần được ưu tiên hơn cả trong quy hoạch mở rộng, phát triển không gian đô thị Vinh trong tương lai.
Để phát triển cây xanh đô thị, ngoài nguồn vốn ngân sách, cần huy động nguồn lực trong nhân dân. Để làm được điều đó, phải có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút vốn đầu tư; công khai quy hoạch và lập danh sách các danh mục kêu gọi đầu tư; xúc tiến đầu tư có hiệu quả; lồng ghép dự án công viên, cây xanh đô thị với dự án sinh lời khác. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý cây xanh đô thị trên các mặt như trồng, duy trì và bảo vệ cây xanh.
Ngọc Thái