Gia đình xã hội

Hồi ức Trường Sa của bác sĩ người Nghệ

08:24, 10/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thượng sĩ, bác sĩ Trần Công Nghĩa, Giám đốc Phòng khám Đa khoa 385 Xuân Nghĩa ở số 178, đường Hà Huy Tập, TP Vinh được biết đến là một bác sĩ giỏi và có tâm với nghề. Nhưng ít ai biết rằng, cách đây gần 27 năm, ông là một chiến sỹ quân y được tăng cường ra quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ, trong lúc Trường Sa đang “dầu sôi, lửa bỏng” nhất. 
 
Ký ức Trường Sa
 
Ngày ấy, cũng như bao chàng trai, cô gái, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Trần Công Nghĩa từ bỏ cánh cửa đại học, vào quân ngũ và chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được đơn vị cử ra Hà Nội tiếp tục học văn hoá và theo học tại Học viện Quân y. 
 
Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công về công tác tại khoa Điện quang, Bệnh viện Quân y 4. Năm 1988, khi Trung Quốc đưa quân sang chiếm đóng một số hòn đảo thuộc chủ quyền nước ta, các quân khu được lệnh tăng cường cho Quân chủng Hải quân tại Trường Sa. Ông được giao làm Trưởng đoàn Quân khu 4 lần đầu tiên ra Trường Sa để làm nhiệm vụ và nhận công tác tại đảo Phan Vinh (tên cũ là đảo Hòn Sẫm). Lúc đó trên đảo chỉ có khoảng gần 70 chiến sỹ. 
Bác sĩ Nghĩa chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội tại đảo Phan Vinh (ảnh do nhân vật cung cấp)
Bác sĩ Nghĩa chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội tại đảo Phan Vinh (ảnh do nhân vật cung cấp)
Trong ký ức của ông, đảo Phan Vinh là đảo nổi không một bóng cây. Giữa đảo có một sân bóng chuyền, xung quanh là 4 dãy nhà lán dành cho các cán bộ chiến sỹ sinh hoạt, ngoài cùng là công sự chiến đấu và có hai điểm chốt đảo nổi. Cuộc sống của các chiến sỹ trên đảo thời kỳ ấy rất khó khăn, vất vả. Cứ 6 tháng tàu mới ra đảo một lần để tiếp tế lương thực. Những lúc ấy, ông và đồng đội ai nấy cũng đều háo hức đón tàu để chờ đợi những lá thư của gia đình từ đất liền gửi ra. Mỗi bức thư là một câu chuyện, là nỗi niềm, tình cảm từ đất liền động viên các chiến sỹ vững tin chiến đấu, bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Ngoài lương thực, thực phẩm được cấp, để cải thiện bữa ăn, đơn vị quân y do ông phụ trách đã trồng rau sam ở dưới hầm trong những thùng đạn cũ. Những ngọn rau to bằng ngón tay út được chia đều cho những chiến sỹ bị tiêu hoá kém. Những giờ nghỉ, các chiến sỹ lại quây quần bên nhau sinh hoạt văn nghệ để vơi đi nỗi nhớ nhà. “Thời ấy trên đảo không có nhạc cụ, đàn thì đứt dây, trống được làm từ ống bơ bịt bằng bì xác rắn nhưng vẫn gõ theo nhịp điệu. Mọi người vui vẻ hát hò và thích thú với bộ trống có một không hai”, ông Nghĩa nhớ lại. Thiếu thốn, khó khăn là thế, nhưng tất cả đều cảm thấy rất vinh dự, tự hào khi mang trên vai trách nhiệm lớn lao, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. 
 
Đã 27 năm trôi qua, nhưng ký ức về Trường Sa vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí người bác sĩ già. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về đất liền đoàn tụ với gia đình và đón đứa con đầu lòng, ông đặt tên cho con là Trần Công Phan Vinh để ghi nhớ quãng thời gian sống và làm việc trên hòn đảo mang tên người anh hùng trên chiếc tàu không số, với niềm tự hào khi được sống, chiến đấu nơi đầu sóng ngọn gió, góp một phần sức lực và tuổi thanh xuân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
 
Một bác sĩ có tâm với nghề
 
Năm 1991, ông rời đảo mang theo ước mơ mở phòng khám tư để khám chữa bệnh cho người dân. Ông đã tích góp, vay mượn tiền mua máy móc, trang thiết bị để thực hiện ước mơ của mình. Đầu năm 1992, phòng khám của bác sĩ Trần Công Nghĩa chính thức đi vào hoạt động. Đây cũng là phòng khám tư đầu tiên ở khu vực miền Bắc. Sau 10 năm đi vào hoạt động, từ phòng khám chuyên chụp X- quang, ông đã xin giấy phép thành lập doanh nghiệp và xây dựng thành phòng khám đa khoa. 
Bác sĩ Trần Công Nghĩa
Bác sĩ Trần Công Nghĩa
Bác sĩ Trần Công Nghĩa là người đầu tiên làm công tác xã hội hoá ngành y tế ở Nghệ An, cũng là người đầu tiên dám tiên phong trang bị những máy móc, thiết bị y khoa hiện đại, phục vụ chẩn đoán và khám chữa bệnh như máy siêu âm màu Doppler, máy chụp X- quang số hoá, máy chụp CT - Scanner. Hiện nay, sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, phòng khám của ông đã tiếp đón và chữa trị cho hơn 2 triệu lượt bệnh nhân. Từ bác sĩ chuyên về điện quang trở thành một bác sĩ đa khoa là cả một thời gian dài tự học và nghiên cứu không mệt mỏi của ông. 
 
Là một người lính, với ông, chữa bệnh cũng như đánh trận: “Trước khi đánh một căn cứ, anh phải cử trinh sát đi tìm hiểu địch rồi mới lên kế hoạch tác chiến và sau đó phối hợp các quân, binh chủng để tiến hành đánh địch. Người bác sĩ cũng như một vị tướng chỉ huy, phải tìm bệnh, thăm khám để “trinh sát” bệnh rồi tổng hợp, lên kế hoạch, kê đơn thuốc để chữa cho bệnh nhân. Nếu chẩn đoán bệnh tốt mà đưa sai phương thuốc chữa bệnh thì coi như “trận đánh” thất bại”.

Hồng Nhung

Các tin khác