Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201504/he-luy-khi-xet-nghiem-nham-hiv-600693/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201504/he-luy-khi-xet-nghiem-nham-hiv-600693/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hệ lụy khi xét nghiệm nhầm HIV - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 12/04/2015, 14:57 [GMT+7]

Hệ lụy khi xét nghiệm nhầm HIV

(Congannghean.vn)-Mặc dù được khẳng định là sự cố hy hữu, khi trong khoảng 10.000 trường hợp thì chỉ có 1 người bị nhầm lẫn trong kết quả, song việc đưa ra kết quả nhầm lẫn giữa dương tính và âm tính với vi rút HIV đã mang lại không ít phiền toái, hệ lụy cho người được xét nghiệm. Thực tế này vừa xảy ra tại Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An và sự cố nhầm lẫn này được phát hiện sau hơn 10 năm kể từ ngày tổ chức xét nghiệm. 
 
10 năm sống chung với HIV “ảo”
 
Ngày 1/4, đại diện các ban, ngành liên quan gồm Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống HIV - AIDS và Trại  giam số 3 (Tổng cục VIII, Bộ Công an) đã có cuộc gặp gỡ chính thức với anh Hoàng K.S. (SN 1973) trú tại TX Cửa Lò, cùng người nhà anh này để thông báo về việc anh S. được xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi rút HIV, nhưng sau hơn 10 năm kể từ khi ra trại, anh S. trở về đi xét nghiệm lại thì kết quả lại âm tính. 
Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An, nơi xảy ra trường hợp nhầm lẫn hy hữu
Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An, nơi xảy ra trường hợp nhầm lẫn hy hữu
Tại buổi làm việc, đại diện các ban, ngành liên quan đã nhận sai sót, nhưng từ chối bồi thường thiệt hại cũng như tổn thất về tinh thần cho anh S. vì thời gian tổ chức xét nghiệm diễn ra đã lâu, anh S. lại thụ án trong trại giam nên không biết quy trách nhiệm cho khâu nào trong suốt quá trình tổ chức xét nghiệm. Các đơn vị liên quan cũng đã đi đến thống nhất là xóa tên anh Hoàng K.S. trong danh sách đối tượng nhiễm HIV, gửi công văn về tận khối xóm nơi anh S. đang sinh sống để thông báo tình trạng sức khỏe của anh S. và sự nhầm lẫn hy hữu này. 
 
Trước đó, anh Hoàng K.S. đã vi phạm pháp luật và phải chịu bản án 16 năm tù, thụ án tại Trại giam số 3. Trong thời gian chấp hành án phạt tù, anh S. được Ban Phòng chống HIV-AIDS, trực thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An lấy máu xét nghiệm, nằm trong chương trình giám sát trọng điểm của Trung tâm. Thời điểm tổ chức xét nghiệm máu là vào năm 2003 và kết quả anh S. dương tính với vi rút HIV, được Trại giam đưa vào diện quản lý dành cho phạm nhân bị HIV, có mã số quản lý cụ thể. Năm 2007, anh S. được chuyển diện quản lý từ Trung tâm Y tế dự phòng cho Trung tâm Phòng chống HIV-AIDS tỉnh Nghệ An. Đến năm 2013, anh S. kết thúc thời gian thi hành án và trở về địa phương, chịu sự quản lý, chăm sóc của Trạm Y tế phường, nơi anh S. sinh sống theo diện đối tượng nhiễm HIV. 
 
Quá trình sinh sống tại địa phương, sau khi tái hòa nhập cộng đồng, qua theo dõi thấy sức khỏe anh S. vẫn tiến triển tốt. Đây là điều bất thường, bởi với một bệnh nhân bị nhiễm HIV, sau 10 năm không dùng bất cứ loại thuốc nào nhưng vẫn mạnh khỏe là điều không tưởng, nên cán bộ y tế phường đã động viên anh S. đi xét nghiệm lại. Kết quả thật ngạc nhiên, bởi sau 2 lần xét nghiệm đều cho thấy, anh S. âm tính với vi rút HIV. 
 
Khó quy trách nhiệm và không bồi thường
 
Sau khi có kết quả giám định, anh S. đã có đơn thư gửi Sở Y tế và các sở, ban, ngành yêu cầu đền bù tổn thất tinh thần cho kết quả nhầm lẫn trên. Lí do, vì kết quả xét nghiệm lần đầu dương tính với HIV đã khiến anh hoang mang, lo sợ và tuyệt vọng trong thời gian dài. Khi ra trại, với bản án “tử” do dương tính với HIV nên đi xin việc làm không ai dám nhận dù sức khỏe của anh rất bình thường. Ngoài ra, khi ra trại, anh S. có  tình cảm và đi đến hôn nhân với chị H., là vợ anh S. bây giờ, nhưng gia đình bên vợ kịch liệt phản đối vì anh S. bị HIV. Sau này, khi có bản giám định hai lần âm tính với HIV thì gia đình mới cho anh S. và chị H. kết hôn. 
 
Theo thông tin từ phía người nhà anh S., sau buổi làm việc giữa gia đình với các ban, ngành liên quan, mặc dù có việc thừa nhận sai sót nhưng các bên liên quan từ chối đền bù theo đơn yêu cầu, vì không thể quy trách nhiệm cho bất kỳ ai, do sự việc đã diễn ra từ hơn 10 năm trước. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cũng cho rằng, để làm rõ việc nhầm lẫn này là sai phạm của ai, cán bộ hay của cơ quan, đơn vị nào cũng không dễ. Bởi đây là trường hợp liên quan đến hai cơ quan là Trung tâm Phòng chống HIV - AIDS và Trại giam số 3.
 
Bối cảnh xét nghiệm diễn ra cách đây hơn 10 năm, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chuyên môn của đội ngũ cán bộ thực hiện còn chưa cao. Lúc bấy giờ, toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có 2 người chuyên trách về HIV/AIDS và sau hơn 10 năm, nhầm lẫn này mới bị phát hiện. Chính vì vậy, hướng giải quyết sự việc chỉ là rút kinh nghiệm giữa các ngành với nhau. “Việc anh S. đòi đền bù thiệt hại cũng rất khó, bởi vụ việc liên quan đến nhiều đơn vị. Thời điểm làm xét nghiệm, anh S. lại thụ án trong trại giam nên không có điều kiện để kiểm tra lại kết quả. Bởi thông thường, nếu muốn biết chính xác một người âm tính hay dương tính với vi rút HIV, cần xét nghiệm đến 3 lần mới cho kết quả cuối cùng”, ông Hồng cho biết. 
 
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế, trong thời gian gần 20 năm trở lại đây, tính từ năm 1996, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bị nhiễm HIV được phát hiện thông qua xét nghiệm. Tuy nhiên, anh Hoàng K.S. là trường hợp duy nhất xảy ra sự nhầm lẫn này.
.

Thiện Thành

.