Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thi Xuyên cho hay, năm 2014, Việt Nam đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu cam kết với Quỹ Toàn cầu về phát hiện và điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc với kết quả điều trị cao. Đặc biệt, Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới có tỷ lệ điều trị lao đa kháng thuốc khỏi trên 70%.
Thông tin trên được bà Xuyên đưa ra tại Hội nghị đánh gia kết quả một năm thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống lao và phương hướng năm 2015 diễn ra chiều 9/3 tại Hà Nội.
Theo bà Xuyên, nhờ những kết quả trên mà tình hình dịch tễ lao ở Việt Nam đã có xu hướng giảm: Tỷ lệ hiện mắc giảm khoảng 4,6%/năm, mắc mới giảm 2,6%/năm, tử vong giảm 4,4%/năm.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở Việt Nam, dịch tễ lao còn diễn biến phức tạp. Việt Nam vẫn đứng thứ 12 trong 22 nước có số người bệnh lao cao và đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc.
Điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương (Bộ Y tế) |
Tại Việt Nam, trong năm 2014 vừa qua, Chương trình phòng chống lao quốc gia được sự ủng hộ và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và được chính quyền nhiều địa phương đã hỗ trợ tích cực cho công tác chống lao, nhờ đó, chương trình vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100% (kể cả trong trại giam, vùng biển đảo, miền núi).
Năm 2014, Chương trình phòng chống lao quốc gia đã phát hiện được hơn 102.000 bệnh nhân mắc lao các thể, với tỷ lệ phát hiện là 111/100.000 dân, đạt 96% chỉ tiêu số bệnh nhân các thể phát hiện cả năm.
Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao quốc gia cho biêt, năm 2014, kinh phí cho chương trình bị cắt giảm nhiều gây khó khăn cho các hoạt động. Một số địa phương không nhận được hỗ trợ kinh phí, nên việc duy trì một số hoạt động thường xuyên gặp khó khăn (nhất là hoạt động giám sát chương trình).
Theo ông Nhung, nguồn kinh phí đã được khắc phục dần khi Quỹ Toàn cầu phê duyệt tài trợ 42 triệu USD cho chương trình phòng chống lao giai đoạn 2015-2017. Bên cạnh đó, chương trình cũng đã vận động được gần 150 tỷ đồng tiền thuốc từ WHO, đảm bảo đầy đủ thuốc chống lao trên toàn quốc.
Trong năm 2015, Chương trình phòng chống lao quốc gia sẽ đẩy mạnh công tác vận động chính sách, truyền thông và huy động xã hội cho công tác phòng chống lao, huy động nguồn lực cộng đồng, địa phương vào công tác chống lao.
Chương trình sẽ tiếp tục củng cố hệ thống xét nghiệm để áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật mới, vận động chính sách kinh tế y tế đối với các xét nghiệm mới tại các tuyến; Tăng cường hoạt động quản lý lao kháng thuốc, đảm bảo cung ứng phân phối hậu cần thuốc, trang thiết bị, vật tư đầy đủ…
Theo báo cáo của WHO năm 2014, xu hướng dịch tễ bệnh lao trên toàn cầu nói chung đang có chiều hướng giảm với tỷ lệ mới mắc lao giảm khoảng 2%/năm, nhưng tình hình dịch tễ bệnh lao trên thế giới vẫn đang là vấn đề sức khỏe chính trên toàn cầu.
Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong do lao; Tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc cao 3,5% trong số bệnh nhân mới và là 20% trong số bệnh nhân điều trị lại và có 13% đồng nhiễm lao/HIV.
|
.