Gia đình xã hội
Tiêm vắc-xin: Đừng chờ dịch vụ!
08:19, 12/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chiều 9/3, Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi từ tiêm chủng dịch vụ và xử lý trách nhiệm với người đứng đầu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ không thực hiện việc cung ứng hoặc không đảm bảo đủ vắc-xin phòng các bệnh thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) mà cơ sở đó thực hiện dịch vụ. Công văn trên được đưa ra trong tình trạng khan hiếm một số loại vắc-xin dịch vụ như hiện nay.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, do việc cung cấp vắc-xin “6 trong 1” và “5 trong 1” của Công ty Glaxo SmithKline và Sanofi Pasteur bị gián đoạn đã khiến việc cung ứng dịch vụ tiêm chủng ngoài Chương trình TCMR không đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đặc biệt tại các thành phố lớn. Tình trạng trên buộc người dân phải chờ đợi rất lâu mới có vắc-xin dịch vụ, tạo nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Để đảm bảo cho trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế, các đơn vị thuộc Bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai ngay việc tăng cường truyền thông, tư vấn về lợi ích tiêm chủng, các loại vắc-xin, chất lượng vắc-xin trong Chương trình TCMR, khuyến khích người dân thực hiện tiêm chủng đủ và đúng lịch các vắc-xin thuộc Chương trình TCMR. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở y tế Nhà nước có tổ chức hoạt động tiêm chủng dịch vụ phải tổ chức tiêm chủng các vắc-xin thuộc Chương trình TCMR tương ứng với loại vắc-xin mà cơ sở đó thực hiện tiêm chủng dịch vụ.
Ví dụ, tại điểm tiêm có tiêm vắc-xin “6 trong 1” và “5 trong 1” dịch vụ thì điểm tiêm này cũng phải cung ứng cả vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem miễn phí trong Chương trình TCMR để thêm sự lựa chọn cho người dân. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi từ tiêm chủng dịch vụ và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ không thực hiện việc cung ứng hoặc không đảm bảo đủ các vắc-xin phòng các bệnh thuộc Chương trình TCMR mà cơ sở đó thực hiện tiêm chủng dịch vụ. Nói nôm na thì từ nay, khi đến các cơ sở tiêm dịch vụ (trả tiền), người dân vẫn được tiêm miễn phí khi lựa chọn các loại vắc-xin theo Chương trình TCMR Quốc gia.
Người dân có tâm lý chờ tiêm dịch vụ để có loại vắc-xin tốt hơn nên xảy ra tình trạng cung không đủ cầu |
Tại Nghệ An, theo ghi nhận của P.V, nhu cầu về tiêm chủng các vắc-xin “5 trong 1” Pentaxim của Pháp, phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib; vắc-xin “6 trong 1” Infarix Hexa nhập của Bỉ, phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib vẫn còn cao. Trong khi đó, có khá nhiều bậc phụ huynh vẫn chờ đợi vắc-xin dịch vụ.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Phan Đình Nghĩa, người phụ trách Phòng tiêm chủng SAFPO cho biết: Hiện nay, vắc-xin “5 trong 1”, “6 trong 1” đều đã hết. Từ đầu năm 2015 đến nay, các bậc phụ huynh chủ yếu đưa con đến để tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh thủy đậu, sởi, viêm não Nhật Bản. Bản chất của các loại vắc-xin là kháng thể nên vắc-xin miễn phí trong Chương trình TCMR và vắc-xin dịch vụ cơ bản không khác nhau.
“Chúng tôi cũng khuyên cha mẹ nên đưa trẻ về phường, xã để thực hiện theo Chương trình TCMR Quốc gia, không nên chờ dịch vụ, khiến trẻ mất đi cơ hội được tiêm chủng đúng lịch để phòng ngừa dịch bệnh”, bác sĩ Nghĩa cho biết thêm.
Thực tế, việc khan hiếm chỉ xảy ra đối với vắc-xin dịch vụ, còn trong Chương trình TCMR thì vẫn luôn có đủ vắc-xin Quinvaxem (vắc-xin “5 trong 1” phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm màng não mủ do Hib) của Hàn Quốc sản xuất với tác dụng tương tự. Tại Việt Nam, tỉ lệ tiêm Quinvaxem là 90%. Trong khi đó, năm 2015, vắc-xin dịch vụ sẽ còn khan hiếm hơn năm 2014 vì các nhà máy ở Pháp và Bỉ dừng sản xuất để thay đổi công nghệ khiến cung không đủ cầu.
Hiện đang là lúc giao mùa, nhiệt độ môi trường thay đổi liên tục, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan. Thời điểm này cũng đang là mùa lễ hội, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dễ lây lan như cúm, bệnh đường hô hấp, sởi, rubella, tiêu chảy... Biện pháp phòng bệnh hiệu quả và lâu dài nhất là tiêm vắc-xin. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, tránh tình trạng đến mùa cao điểm hay có dịch mới đi tiêm, bởi sẽ gây tình trạng quá tải và thiếu hụt vắc-xin.
Bác sĩ Phan Văn Công, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An: “Sau khi tiêm vắc-xin 15 ngày, cơ thể mới sản sinh ra kháng thể để tiêu diệt loại vi rút đó. Vì vậy, người dân nên đưa con đi tiêm trước mùa dịch thì mới có hiệu quả cao”. Từ tháng 9/2014 - 1/2015, 780.000 trẻ ở Nghệ An đã được tiêm phòng Sởi - Rubella. Không có trường hợp nào sốc phản ứng.
|
Mai Hậu