Gia đình xã hội
Vượt lên số phận
10:00, 10/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chỉ 2 năm sau khi ra đời trên mảnh đất Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, anh Dư Minh Thanh theo gia đình lên lập nghiệp ở xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn. 20 tuổi, anh trúng tuyển quân sự, tham gia chiến đấu giải phóng nước bạn Campuchia. 5 năm sau đó, anh phục viên trở về địa phương xây dựng tổ ấm gia đình cùng chị Nguyễn Thị Thân, là giáo viên Trường Tiểu học Hòa Hiếu I.
Cuộc sống tưởng chừng hạnh phúc, vui vẻ bên vợ và các con thì một tai họa bất ngờ ập đến. Anh phải mổ tim do hẹp van hai lá, sức khỏe yếu hẳn. Không thể tiếp tục công việc thu mua nông sản nên anh mở một quán bán hàng nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Tiếp đó là những chuỗi ngày anh bị đau tim nặng và phải thường xuyên vào bệnh viện. Vì sự sống còn của chồng, chị Thân quyết định bán hết gia sản để lấy tiền làm chi phí cho ca mổ thay van tim của chồng.
Tìm lại được sự sống cho anh nhưng trong căn nhà nhỏ của 2 vợ chồng không còn thứ gì đáng giá. Sau bao đêm trằn trọc, suy tư, anh Thanh quyết tâm tìm một công việc phù hợp với sức khỏe để cùng vợ lo cuộc sống, nuôi con ăn học. Sống ở thị xã sầm uất cộng với sự nhạy bén, thông minh đã giúp anh Thanh nảy sinh ý tưởng làm chậu cảnh. Anh trực tiếp đến một vài nơi tìm hiểu. Được sự chăm sóc chu đáo của người vợ, động viên của anh em, bạn bè, có thêm số tiền ít ỏi 5 triệu đồng từ dự án “Vay vốn cho hộ nghèo” của Hội Chữ thập đỏ, anh Thanh bắt tay “gây dựng cơ đồ”.
Anh say mê tìm tòi những mẫu hình đẹp, khác lạ để hàng ngày nặn ra những mẫu chậu cảnh, bình hoa, hòn non bộ, những bộ bàn ghế ngồi uống trà... mà không ai nghĩ rằng, nó được làm bằng cát và xi măng, vừa chắc chắn lại phong phú, đa dạng về mẫu mã. Sản phẩm anh Thanh làm ra rất bắt mắt, giá thành lại rẻ, nên tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến. Không chỉ người trong vùng mà cả khách hàng ở huyện Quỳnh Lưu và tỉnh Thanh Hóa cũng tìm đến đặt hàng.
Anh Dư Minh Thanh đang chỉnh sửa chậu cảnh |
Niềm vui lớn cứ dần đến với anh. Năm 1994, con gái đầu nhận giấy báo đỗ đại học ở Đà Nẵng, đến năm 1998, con gái thứ hai cũng vào đại học ở Hà Nội, rồi con gái út cũng tiếp bước con đường của các chị. Vui là vậy, nhưng anh Thanh lại phải cùng vợ “chung lưng đấu cật” để nuôi các con ăn học.
Dường như “trời” thương người có chí lại cần cù, nghề làm chậu cảnh của anh từ đó phát triển hơn, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động trong vùng. Với nghề này, khó khăn nhất là đòi hỏi sự khéo léo, không phải lao động nào cũng có “bàn tay vàng” nhưng nhờ sự hướng dẫn tỉ mỉ, chu đáo của anh mà người nào đến làm cho anh cũng trở nên lành nghề. Vào những ngày nghỉ, vợ và các con gái, con rể cũng phụ giúp bố và rất thạo việc. Nhờ đó, mỗi năm, trừ các chi phí, anh thu được từ 70 - 100 triệu đồng.
Từ niềm đam mê, sáng tạo của anh và sự chịu thương chịu khó của người vợ đã giúp anh Thanh “thổi hồn” vào tác phẩm, tạo ra những chậu cây cảnh làm đẹp cho đời.
Kim Oanh