Gia đình xã hội
Lớp học tình thương nơi 'phố chị Dậu'
14:51, 11/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Vượt qua bao khó khăn thường nhật, những sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Vinh chẳng quản ngày đêm, dù trời nắng hay mưa, đều miệt mài cắp sách đến “phố chị Dậu” bên sông Cửa Tiền, phường Vinh Tân, TP Vinh để mang con chữ đến với những trẻ em nghèo.
Vượt qua những con đường lầy lội, chúng tôi tìm đến “phố chị Dậu” vào một ngày mưa tầm tã. Chứng kiến những đứa trẻ trong xóm gầy guộc, ngồi co ro trong những căn nhà nổi trống hoác, chúng tôi ai cũng nghẹn ngào.
Do hoàn cảnh khó khăn, nhiều em nhỏ nơi đây chưa biết đến mặt chữ, đối với các em thì giấc mơ được học hành là quá xa vời. “Không phải chúng tôi không muốn cho con tới trường nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, cơm chưa đủ ăn thì làm sao nghĩ tới chuyện cho con đi học”, chị Nguyễn Thị Thuần chia sẻ.
Thấu hiểu được phần nào hoàn cảnh của người dân làng vạn chài, nhóm sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Vinh đã tình nguyện dựng bàn ghế trong túp lều dột nát bên bến sông, lấy tấm ván kê lên làm bàn, sàn nhà làm ghế ngồi dạy học cho các em. Cứ đều đặn 3 buổi/tuần, vào các ngày thứ tư, thứ bảy, chủ nhật, các bạn trẻ tình nguyện không quản ngại gian khó, tìm đến đây dạy các em nhỏ ê a đánh vần. Tuy nhiên, cái sự “vừa học vừa hành” của các em ở đây dường như chỉ dừng lại ở mức xóa mù chữ, vì điều kiện gia đình không cho phép các em theo đuổi giấc mơ học hành cao xa hơn.
Các bạn sinh viên đang chăm chú giảng bài cho các em |
Là người đứng ra vận động bạn bè dành thời gian rảnh để đến dạy chữ cho trẻ em nghèo, suốt 1 năm từ lúc bắt đầu tổ chức lớp học cho đến nay, Nguyễn Thị Oanh, sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Vinh vẫn chưa nghỉ buổi nào. Oanh cho biết, cuộc sống của những hộ dân ở đây rất khó khăn. Mới 11 tuổi, các em nhỏ đã phải theo bố mẹ mưu sinh kiếm sống. Đứa thì theo bố đi thả lưới đánh cá, đứa lại theo mẹ ra chợ bán hàng, có đứa rong ruổi khắp nơi đi đánh giày, bán vé số… Với quan niệm “có học hành cũng chẳng làm được gì”, vì thế, những ngày đầu khi các bạn sinh viên tới vận động phụ huynh dựng lán cho con em học chữ, hầu hết bà con đều không ủng hộ. Nhưng không vì thế mà làm nhụt ý chí của các bạn sinh viên tình nguyện. Chia nhau thành từng tốp một, đội nắng, đội mưa, họ lần lượt tới từng nhà vận động, thuyết phục. Sau nhiều ngày kiên trì, niềm vui như vỡ òa khi các bạn tình nguyện lẫn các em nhỏ nơi đây nhận được sự ủng hộ từ các bậc cha mẹ.
Căn phòng học chưa đến 15m2 nhưng lại đầy đủ mọi thành phần, từ các em nhỏ chỉ mới 3 tuổi cho đến những em 15 tuổi. Do số lượng “học sinh” khá đông, trong khi lượng “giáo viên” lại ít nên nhiều bạn sinh viên còn phải kiêm luôn chức “giáo viên mầm non” vì một số em còn quá nhỏ. Để các em không cảm thấy buồn chán trong từng giờ học, những người thầy, người cô tình nguyện luôn tìm tòi, sáng tạo ra những cách dạy hay. Với phương châm “học mà chơi, chơi mà học”, các bạn sinh viên đã đưa những câu đố vui, những trò chơi dân gian xen lẫn trong từng tiết học, góp phần khơi dậy niềm đam mê học tập trong các em. Ngoài ra, để các em có thêm kiến thức xã hội và thực hành, các bạn còn thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, tham quan.
Các “thầy cô” luôn ân cần chỉ dạy các em nhỏ, “xoa mái tóc, nựng đôi má” những cô, cậu học trò thân yêu như những người anh, người chị yêu thương em út. Tiếp xúc với Phan Hữu Toàn (sinh viên năm thứ nhất, ĐH Vinh), chúng tôi cảm nhận rõ hơn tình yêu thương mà các bạn dành cho các em nhỏ. Toàn không giấu nổi sự hào hứng cho biết: “Thấy các em nghèo nhưng hiếu học, cả nhóm chúng mình dường như quên hết mệt nhọc. Chúng mình vừa dạy, vừa động viên các em cố gắng vượt qua khó khăn để tiếp tục đến trường. Đến với các em, mình thấy thời gian trở nên quý giá hơn”.
Buổi học kết thúc cũng là lúc chúng tôi rời khỏi làng vạn chài. Nhìn các em tươi cười gấp sách vở đứng dậy chào “các thầy, các cô”, chúng tôi cảm nhận được rằng, dù còn thiếu thốn đủ bề nhưng các em nhỏ nơi đây vẫn rất phấn khởi khi được “cắp sách đi học”, được vui chơi cùng bạn bè trang lứa. “Mặc dù không được đến trường học, nhưng chúng em luôn xem đây như là lớp, là trường, xem các anh, chị là thầy, cô, người cha, người mẹ thứ hai”, em Phạm Thị Hoài tâm sự.
Đặng Duyên