(Congannghean.vn)-Lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm của một số phụ nữ, thiếu nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi, nhất là bà con dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới Nghệ An, các đối tượng trong đường dây mua bán người lập tức tung “chân rết” của mình đến tận các bản làng để dụ dỗ họ với những lời hứa hẹn đưa xuống thành phố hoặc ra nước ngoài làm công việc nhàn hạ với mức lương cao…
Chỉ vì nhẹ dạ cả tin, họ trở thành “miếng mồi ngon” trong tay các “má mì” và nhanh chóng bị bán ra nước ngoài. Người “may mắn” thì bị ép bán làm vợ cho những người đàn ông không có khả năng lấy vợ bản xứ, nhưng phần lớn thiếu nữ và trẻ em thường bị bắt vào phục vụ trong những “động” mại dâm nơi xứ người…
Nhận diện thủ đoạn của các “má mì”
Theo nguồn tin từ cơ quan chức năng, trong năm 2014, trên địa bàn toàn tỉnh có 36 nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị bán ra nước ngoài. Phòng CSĐTTP về TTXH Công an tỉnh phối hợp với Công an các địa phương điều tra, làm rõ 17 vụ, bắt 33 đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em. Điển hình, Công an Nghệ An đã khám phá thành công 3 Chuyên án, gồm Chuyên án 114N (do Phòng CSĐTTP về TTXH xác lập và khám phá), Chuyên án 814N (Công an huyện Quế Phong) và Chuyên án 814N (Công an huyện Con Cuông). Hiện, cơ quan chức năng đã đề nghị truy tố 5 đối tượng trong các Chuyên án này. Qua đó, tổ chức giải cứu thành công hàng chục phụ nữ, trẻ em và đưa họ trở về gia đình an toàn. So với cùng kỳ năm 2013, năm 2014, tăng 3 vụ và giảm 3 đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em.
Qua khám phá các vụ án mua bán người, mua bán trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho thấy, các đối tượng thường có đường dây hoạt động, tổ chức hết sức chặt chẽ. Chúng ít khi lộ diện mà thường sử dụng người thân quen, hoặc đưa những người đã từng bị bán ra nước ngoài về chính quê hương ăn diện thật đẹp rồi vẽ ra viễn cảnh tương lai tươi sáng nơi xứ người để nạn nhân tin tưởng đi theo. Thậm chí, chúng còn hứa không những đưa họ xuống thành phố hoặc ra nước ngoài làm với mức lương cao mà nếu gia đình nào có người đi theo thì còn được “công ty” trả trước số tiền hàng chục triệu đồng. Từ nhìn thấy “người thực, việc thực”, cộng với những món lợi trước mắt, nhiều phụ nữ, trẻ em nhẹ dạ cả tin đã nhanh chóng rơi vào “bẫy” của bọn buôn người. Vụ án mà Phòng CSĐTTP về TTXH Công an tỉnh vừa khám phá hồi đầu tháng 8/2014 là một ví dụ điển hình.
Vì tiền, các “má mì” sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn bỉ ổi nhằm bán cả cháu ruột của mình sang Trung Quốc. Từng là một nạn nhân bị bán và ép phải lấy chồng ở Trung Quốc, sau 6 năm chịu đựng tủi nhục nơi xứ người, ngày 1/8, Bùi Thị Im (29 tuổi) trú tại bản Xốp Kho, xã Nga My, huyện Tương Dương đã may mắn được trở về quê hương. Nhưng thay vì giúp mọi người nhận diện kẻ buôn người để phòng tránh, thị lại có dã tâm tìm kiếm thiếu nữ đưa sang Trung Quốc bán để lấy tiền tiêu xài. Trong những ngày ở quê, thị Im thể hiện là người phụ nữ giàu có và hào phóng. Lấy lí do đi thăm hỏi mọi người, thị đã đến từng nhà trong bản để tìm kiếm “con mồi”. Khi đến nhà anh chị T. ở trong bản, thấy cô con gái đầu là Lô Thị Môn vừa học xong THCS lớn phổng phao và ra dáng thiếu nữ, lại biết Môn là bạn thân của cháu ruột mình, thị đã nảy sinh âm mưu đen tối. Sau khi bắt xe về TP Vinh, thị Im gọi điện bảo cháu ruột là Lương Thị Thiên Nga rủ bạn cùng xuống TP Vinh để thị đưa đi chơi và mua sắm quần áo.
Điều tra viên lấy lời khai của các đối tượng mua bán người trong một vụ án |
Tin lời dì, hai nữ sinh lớp 9 vừa được nghỉ hè liền bàn nhau trốn gia đình đi chơi. Biết hai cô bé đã nhận lời, Im liền lên kế hoạch, đồng thời cho một đối tượng chưa rõ lai lịch tên là Tý đến điểm hẹn đón hai cô bé rồi chở xe máy xuống thị trấn Con Cuông. Tại đây, hai nữ sinh này hăm hở đón xe khách xuống TP Vinh theo lời của dì. Nào ngờ, vừa đặt chân đến TP Vinh, hai nữ sinh đã bị Im cùng Lô Thị Phương (SN 1975) trú tại bản Văng Môn, xã Yên Hòa kéo lên chiếc xe khách khác chạy tuyến Vinh - Móng Cái (Quảng Ninh). Nghi có chuyện chẳng lành, Nga liền nói nhỏ với bạn và cả hai đã nhanh chóng nhảy xuống xe bỏ trốn.
Giữa thành phố xa lạ cộng với sự lo lắng, sợ dì phát hiện và bắt bán sang Trung Quốc, hai cô bé đã trốn vào nhà vệ sinh của bến xe Vinh, chờ trời tối mới dám ra ngoài. Định bắt xe trở về quê nhưng cả hai phát hiện trong người không một xu dính túi. Quá sợ hãi, hai cô bé ôm nhau khóc. Vừa lúc đó, chị Hà, là vợ của chủ xe Minh Hà trú tại phường Cửa Nam, TP Vinh vừa chở chồng ra bến xe, thấy thế liền lại gần hỏi han. Sau khi biết được sự tình, chị đón hai cô bé về nhà, mua cho mỗi đứa một bộ quần áo để thay và cho ăn tối rồi gọi điện báo với lực lượng Công an. Nhận được tin báo, tổ công tác thuộc Đội 6, Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH Công an tỉnh đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, truy bắt hai “má mì” đội lốt người thân, đồng thời đưa hai nạn nhân trở về nhà an toàn.
Cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội
Trong những năm qua, lực lượng Công an Nghệ An đã làm tốt công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm mua bán người, từ việc tổ chức phát động nhân dân tích cực tham gia phòng chống loại tội phạm này, đồng thời, động viên nạn nhân và gia đình tố cáo đối tượng phạm tội. Phối hợp cùng Hội Phụ nữ các cấp tổ chức tuyên truyền đến mọi người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, nhất là ở các địa bàn trọng điểm như: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn… để giúp người dân nhận thức rõ về loại tội phạm này. Bên cạnh đó, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh cũng đã phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương tổ chức điều tra cơ bản, quản lý địa bàn và nắm chắc số phụ nữ, trẻ em bị lừa bán hoặc nghi lừa bán; xác định địa bàn trọng điểm, số đối tượng nghi vấn để tập trung sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, bắt giữ và xử lý nghiêm trước pháp luật.
Ở các địa bàn tuyến biên giới, Công an các huyện còn phối hợp chặt chẽ với Bộ đội biên phòng tổ chức tăng cường tuần tra, kiểm soát, chủ động nắm tình hình phục vụ công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người. Trong năm 2014, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã tấn công mạnh mẽ vào loại tội phạm mua bán người và bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, quá trình công tác còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Theo các điều tra viên thuộc Đội 6, Phòng CSĐTTP về TTXH Công an tỉnh: Công tác tuyên truyền, giáo dục tại cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tuyên truyền cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn gặp trở ngại về giao thông, cơ sở vật chất và nhất là phương pháp, cách thức tuyên truyền. Việc ngăn chặn hành vi của các đối tượng phạm tội thường chậm, do tại thời điểm xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết rằng mình bị lừa bán. Một số nạn nhân sau khi được giải cứu hoặc tự trốn thoát trở về không dám tố cáo lên cơ quan chức năng, do tâm lý sợ bị trả thù, vì nể đối tượng phạm tội là người thân trong gia đình hoặc bị mua chuộc nên giữ im lặng. Số phụ nữ, trẻ em sau khi bị bán ra nước ngoài thường bị bọn buôn người quản lý rất chặt chẽ, không thể thông tin liên lạc về gia đình. Trong khi công tác điều tra, giải cứu của lực lượng chức năng của ta ở nước ngoài gặp rất nhiều trở ngại… Chưa kể một số phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số vì cuộc sống quá khó khăn nên đã tự nguyện đi theo bọn buôn người, tự biến mình thành nạn nhân trong các vụ án.
Chính vì thế, ngoài những nỗ lực của cơ quan chức năng, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành, sự chung tay của toàn xã hội trong việc phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người. Và trên hết là sự cảnh giác cao độ của mỗi cá nhân trước mọi hình thức, thủ đoạn dụ dỗ của các đối tượng này để tránh biến mình thành “miếng mồi ngon” cho các đối tượng phạm tội.
.